
GS.TS Sử Đình Thành - giám đốc UEH - Ảnh: UEH
3.200 bài báo được công bố
Từ năm 2000 đến nay, UEH đã có 3.200 bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc WOS/Scopus (trong đó có 255 bài trong 4 tháng đầu năm 2025), 720 bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất theo Scopus (36 bài trong năm 2025), tỉ lệ bài báo Q1/Q2 trên tổng bài báo Scopus đạt 84,60%.
Bên cạnh đó, tỉ lệ bài báo quốc tế gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ngày càng gia tăng, đến nay đã chiếm tỉ lệ hơn 50% với 1.161 bài.
Trong đó, trường đã thể hiện thế mạnh ở các lĩnh vực truyền thống gắn với SDG8 (Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế), SDG9 (Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng), SDG10 (Giảm bất bình đẳng); với đóng góp gần 600 công bố quốc tế trong giai đoạn 2020-2023.
Về hệ số ảnh hưởng, công bố quốc tế của trường gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đều có hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao hơn 1, đa số là cao 2, điều này có nghĩa là trích dẫn của CBQT ở các SDG đều cao hơn 100% so với bình quân của thế giới.
Đặc biệt ở tiêu chí SDG3 (Sức khỏe và cuộc sống tốt), SDG7 (Năng lượng sạch với giá thành hợp lý) và tiêu chí SDG13 (Hành động về khí hậu), trường đạt hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao ở mức 5.

Số liệu công bố quốc tế UEH tính từ đầu năm 2025

Số liệu công bố quốc tế UEH từ 2000 - 2025
Đến nay, tỉ lệ giảng viên UEH tham gia công bố quốc tế ISI/Scopus ngày càng tăng (chiếm tỉ lệ gần 40% trong khung thời gian 3 năm), bình quân UEH đạt 0,8 bài báo quốc tế/giảng viên/năm.
Chất lượng công bố ngày càng gia tăng
Song song với số lượng, chất lượng công bố ngày càng gia tăng với 85% số bài thuộc Scopus phân vị Q1, Q2; 80% đăng trên tạp chí thuộc NXB quốc tế uy tín như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell, Emerald,…
Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á của nhà trường được xếp vào top đầu Q1 của phân hạng Scopus cũng khẳng định thêm những kết quả đáng khích lệ của nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế trong chiến lược quốc tế hóa của trường.
Đặc biệt, thông qua chương trình truyền thông thương hiệu học thuật "Research Contribution for All" được triển khai từ năm 2021, trường đã lan tỏa hơn 200 chủ đề nghiên cứu đương đại trong đa dạng lĩnh vực từ kinh tế, kinh doanh, luật, chính sách công, công nghệ, thiết kế,… gắn với 17 SDGs, với gần 1.000.000 lượt tiếp cận đến cộng đồng.

Chương trình truyền thông thương hiệu học thuật "Research Contribution for All" lan tỏa các chủ đề nghiên cứu đương đại trong đa dạng lĩnh vực từ kinh tế, kinh doanh, luật, chính sách công, công nghệ, thiết kế,… gắn với 17 SDGs
Những kết quả đạt được cũng góp phần đưa trường vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín, gắn với phát triển bền vững.
Chẳng hạn như UEH đứng thứ 136 các đại học tốt nhất châu Á, thuộc top 501+ các đại học hàng đầu thế giới (THE 2025); top 301+ Bảng xếp hạng QS châu Á; đứng thứ 860 toàn cầu, thứ 234 châu Á và thứ 3 Việt Nam bảng xếp hạng ĐH bền vững của QS World 2024; đứng vị trí 301+ toàn cầu trên bảng THE Impact 2023; thứ 43 toàn cầu trong mục tiêu SDG8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế).
"Hai tiếp cận chiến lược và hệ sinh thái học thuật chuyên nghiệp được xây dựng đã giúp trường gắn kết nghiên cứu với đào tạo đa ngành, ứng dụng thực tiễn.
Lựa chọn con đường phát triển bằng nội lực, chúng tôi đã và đang không ngừng đổi mới để giải quyết thách thức xã hội và phù hợp với thực tiễn phát triển.
Và sẽ luôn kiên định mục tiêu này, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và tri thức cho cộng đồng khoa học thế giới theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, để xứng đáng là một đại học công lập trọng điểm quốc gia của Việt Nam, có vị thế trong khu vực và thế giới" - giáo sư Sử Đình Thành - giám đốc UEH - cho biết.