
Học nghề tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo ThS Võ Công Trí, phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, tình hình tuyển sinh hệ 9+ năm nay gặp nhiều thách thức.
Nguyên nhân lớn nhất là do TP.HCM dự kiến tuyển tới 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập trong năm học 2025-2026, so với mức 65% của năm trước.
Thách thức không nhỏ
Ông Trí phân tích điều này khiến lượng học sinh còn lại cho các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường tư chỉ chiếm khoảng 20%.
Với số lượng học sinh dự kiến tốt nghiệp THCS khoảng 88.772 em, thì hơn 71.000 em có cơ hội được xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập, làm nguồn tuyển cho hệ 9+ thu hẹp. Thực tế này tạo ra áp lực lớn cho các trường nghề trong việc tìm kiếm học sinh.
TS Hoàng Quốc Long, hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho rằng năm nay nguồn tuyển cho hệ 9+ đã ít hơn mọi năm nhiều, lại còn gặp thách thức do tỉ lệ chỉ tiêu của lớp 10 công lập.
Việc TP.HCM tăng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập lên đến 80% đồng nghĩa với việc chỉ còn 20% học sinh lớp 9 cho các trường trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên cùng “chia nhau”.
Trong bối cảnh các trường cao đẳng trong khối giáo dục nghề nghiệp cũng đang cạnh tranh để giữ nguồn tuyển, các trường trung cấp có thể thất thế nếu không kịp thích ứng.
Một đại diện trường cao đẳng cho biết năm nay là một năm đặc biệt khi hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyển đổi từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD-ĐT.
Trước sự chuyển giao, trường cho biết đang tạm thời “giữ nhịp” và không vội triển khai các ngành nghề mới hay mở rộng chương trình. Trường sẽ chờ thêm hướng dẫn từ bộ chủ quản mới để tính toán bước đi phù hợp hơn.
Trường nghề cũng phải thay đổi
TS Hoàng Văn Phúc, hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, cho rằng bên cạnh những khó khăn về nguồn tuyển, các trường nghề cũng cần chủ động thay đổi chính mình.
“Các trường không thể giữ mãi hình ảnh là một cánh cửa dành cho những em đã rớt lớp 10 công lập. Thay vì vậy, việc cần làm sẽ là thay đổi để thu hút học sinh lựa chọn ngay từ đầu”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, đó có thể là những lợi thế như thời gian học ngắn hơn, ra trường sớm có việc làm ổn định và có nhiều hướng phát triển sau tốt nghiệp.
Để làm được điều đó, các trường cần điều chỉnh chiến lược phát triển: tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy và mở rộng liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.
Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng việc hợp tác quốc tế với các đối tác tuyển dụng lao động tại Hàn Quốc, Nhật… cũng giúp mở thêm cánh cửa xuất khẩu lao động cho học sinh có nhu cầu. Nhờ vậy, người học sẽ có được những lựa chọn nghề nghiệp phong phú và thực tế hơn.
ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, dẫn chứng trường đã chủ động tăng cường các nội dung kỹ năng mềm như một lợi ích tăng thêm dành cho học sinh chọn học hệ 9+.
Chẳng hạn, các chương trình kỹ năng lãnh đạo (leadership) được đưa vào chương trình đào tạo dành cho học sinh hệ 9+.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề theo từng ngành nghề, giúp học sinh có thêm góc nhìn và hiểu đúng về lựa chọn nghề nghiệp của mình”, thầy Lý chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tập huấn cho đội ngũ giáo viên theo từng chuyên đề cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các chương trình tiếng Anh được đẩy mạnh, bao gồm cả hoạt động trong lớp và các câu lạc bộ ngoại khóa, giúp học sinh tự tin hơn và có thêm cơ hội trong tương lai.
Theo ông Lý, việc không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo chính là cách để các trường nghề khẳng định giá trị và thu hút người học trong bối cảnh cạnh tranh nguồn tuyển ngày càng thu hẹp.
Đổi mới cách tiếp cận học sinh, phụ huynh
ThS Võ Công Trí cho biết trường đang hướng tới đổi mới cách tiếp cận học sinh và phụ huynh. Các buổi tư vấn được tổ chức ngay từ cấp THCS, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm thực tế tại trường. Ngoài ra trường tận dụng các nền tảng số như mạng xã hội, livestream, video clip để truyền tải thông tin sinh động, dễ tiếp cận hơn.
Băn khoăn về chính sách học phí
Tại kỳ họp thứ 21 tháng 2-2025, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh mầm non, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trong năm học 2025-2026.
Trong đó mức hỗ trợ học phí cho hệ giáo dục thường xuyên THPT dao động 100.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng tùy theo khu vực.
Tuy vậy, một số trường nghề đã tự chủ tài chính bày tỏ sự băn khoăn nếu chính sách nhân văn này không có thêm một số sự linh hoạt.
PGS.TS Bùi Văn Hưng, hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, cho biết hiện nay học sinh hệ 9+ tại trường đang được miễn học phí học nghề theo nghị quyết 81 của Chính phủ. Phần học phí cho chương trình văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên THPT vẫn do trường quy định và thu theo mức thực tế chi trả cho giảng viên.
Theo ông, nếu thành phố quy định mức hỗ trợ học phí cố định 100.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng mà không cho phép các trường đã tự chủ có thể linh hoạt điều chỉnh theo thực tế, thì sẽ gây khó khăn để duy trì hoạt động giảng dạy hệ 9+.
Chẳng hạn tại trường của ông, một tiết giảng dạy chương trình văn hóa hiện nay có chi phí khoảng 150.000 đồng, trong khi nếu chỉ được cấp bù 120.000 đồng/học sinh thì rõ ràng là… lỗ.
“Trường hợp này rất cần có cơ chế linh hoạt hơn, để các trường đã tự chủ như chúng tôi có thể chủ động cân đối tài chính và duy trì chất lượng đào tạo”, ông bày tỏ.
