Nơi người dân bị "tụt lại" gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa

Admin

Suýt soát 20 năm qua, hơn 70 hộ dân phố Quang Trung, (Tp.Thanh Hóa) như bị "tụt lại", lọt thỏm giữa khu đô thị Bình Minh phồn hoa bậc nhất xứ Thanh.

Năm 2004, tỉnh Thanh Hoá chấp thuận cho Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi (phường Đông Hương, Tp.Thanh Hóa). Để thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân địa phương trong phạm vi dự án đã phải di dời đến khu tái định cư mới. Tuy nhiên, do một số vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, sắp xếp phần đất tái định cư nên hiện vẫn còn hơn 70 hộ dân chưa di dời.

Từ thời điểm đó tới nay, trải qua 2 thập kỷ, những hộ dân trên vẫn hàng ngày sống trong những căn nhà chật hẹp, thiếu thốn, sâu hun hút trong những con ngõ đất ngoằn nghèo. Cũng vì thuộc diện di dời thực hiện dự án, nên các hộ dân này cũng không chủ động tiếp cận được đầy đủ các an sinh xã hội như nước sạch sinh hoạt, xử lý môi trường rác thải… của một đô thị đúng nghĩa.

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa

Con đường dẫn vào khu vực các hộ dân bị "tụt lại" của dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi. 

Có mặt tại khu vực sinh sống của các hộ dân “khốn khổ” trên, nhiều người dân bức xúc bày tỏ ý kiến của mình. Một số ý kiến cho rằng mình đã bị "lãng quên, tụt lại phía sau" khi sinh sống khốn khổ bên cạnh một khu đô thị Binh Minh phồn hoa bậc nhất xứ Thanh.

“Khu vực này trước đây chủ yếu là đồng ruộng, đất trống hết. Chỉ có một khóm hộ dân chúng tôi ở đây. Khi dự án về, do không thỏa thuận giải phóng mặt bằng được nên người ta đã chừa khu vực này lại, và tiến hành thực hiện dự án trên phần đất ruộng và phần đất đã giải phóng mặt bằng để bán đất, xây nhà thu lợi lớn. Tới nay đã 20 năm rồi, chúng tôi vẫn lay lắt sống giữa thành phố Thanh Hóa mà không biết tương lại cụ thể ra sao”, ông Lê Văn T., sinh năm 1972, người dân sinh sống tại khu vực dự án cho biết.

Thực tế, ngoài những tiện ích không thể tiếp cận do sống trong khu vực quy hoạch, các hạng mục đã xây dựng của dự án khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi từ khi đi vào hoạt động, cũng đã gây nhiều “áp lực” tiêu cực lên đời sống của những người dân còn xót lại nơi đây.

“Từ khi người ta san gạt đất ruộng làm dự án, khu vực nhà tôi trở thành vùng trũng, trong khi các rãnh thoát nước tự nhiên bị vùi lấp. Vì vậy, cứ mỗi khi mùa mưa tới thì nhà tôi lại ngập vào tận nhà, có gia đình nước ngập lên tới bếp. Mỗi lúc như vậy dân làng lại kéo ra, chia nhau tự dùng cuốc, xẻng để khởi thông dòng chảy, thoát nước”, bà Lê Thị Hương, sinh năm 1962, sinh sống tại đây chia sẻ.  

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 2).

Nước tù đọng, bốc mùi hôi thối trước căn nhà của gia đình bà Hương.

Đơn cử, hộ gia đình bà Lê Thị Hương, có 4 người con, gồm một gái và 3 trai. Hiện sống trong ngôi nhà ngói chật chội chưa tới 100m2, ngay dưới tán những tòa chung cư cao tầng và những căn biệt thự xa hoa của khu đô thị Bình Minh. Hàng ngày 5,6 con người vẫn ra vào căn nhà cấp 4 chật chội. 

"Hiện tại, tôi cùng nhiều người dân ở đây cũng mong muốn làm sao có cách giải quyết phù hợp, nhanh chóng để bà con chúng tôi di chuyển tới nơi ở mới, khang trang đầy đủ tiện nghi hơn sau khi di dời. Còn nếu không lấy nữa thì cũng nói để chúng tôi xây, sửa lại nhà cửa", bà Hương chia sẻ bên cạnh ngôi nhà lợp tôn của gia đình vừa được sửa tạm khi mùa mưa sắp tới.

Tương tự, hộ gia đình bà Lê Thị Hiền (sinh năm 1958), hiện có 6 người hàng ngày vẫn phải sinh sống trong căn nhà cấp 4 đã có tuổi đời ngót nghét 30 năm, trong đó có 2 trẻ nhỏ, cuộc sống hàng ngày vô cùng bí bách khi "đi chưa được mà ở cũng không xong".  

"Sợ nhất là mỗi khi mùa mưa xuống, khu nhà tôi ngập hết. Có năm rắn rết từ các ao ruộng theo nước lụt bò cả vào nhà. Khoảng năm 2004 người ta tới kiểm kê di dời nhưng giá đền bù không thỏa đáng, dân không đi. Bẵng đi mãi tới năm 2019 người ta mới tiếp tục tới kiểm kê lần nữa rồi im bặt tới nay. Giờ người dân mong muốn lấy hay không lấy nữa thì làm sớm đề chúng tôi còn xây nhà", bà Hiền chia sẻ. 

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 3).

Căn nhà cấp 4 hiện đã xuống cấp trầm trọng của gia đình bà Hiền.

Qua quan sát thực tế của Người Đưa Tin, khu phố Quang Trung đã được hình thành từ nhiều năm trước nên hệ thống thoát nước, cống rãnh đã lỗi thời, xuống cấp không thể tiêu thoát gây ngập úng khi mùa mưa. Hàng ngày, nước thải sinh hoạt chảy ra không có chỗ thoát, phương án xử lý nên bị ùn ứ, đọng lại bốc mùi hôi thối, ô nhiễm. Ngoài ra, khu dân cư có nhiều ngõ ngách rất nhỏ, đường đất nên gây bụi bặm, bùn đất mỗi khi mưa nắng, và trơn trượt cho người dân khi di chuyển.

Tuy nhiên, quan ngại hơn khi tại khu vực này hiện có nhiều ngôi nhà đã được xây dựng từ rất lâu, theo thời gian dự án cũng ít nhất trên 20 năm, tới nay đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào khi mùa mưa bão đang tới gần, gây nguy hiểm tới tính mạng của những người dân sinh sống bên trong nếu không có biện pháp kịp thời.  

Trao đổi với Người Đưa Tin về thực trạng trên, ông Lê Văn Lục, Chủ tịch UBND phường Đông Hương cho biết, chính quyền địa phương cũng rất chia sẻ, thông cảm với tình trạng trên của các hộ dân. Nhưng do diện tích đất của các hộ trên đã có quyết định thu hồi để xây dựng khu đô thị mới Bình Minh nên theo quy định không được phép xây dựng mới, nâng cấp nhà cửa.

Về những thực trạng đã và đang xảy ra với hơn 70 hộ dân sống tại phố Quang Trung, địa phương cũng đã kiến nghị lên chính quyền cấp trên và chủ đầu tư dự án để cố gắng phối hợp tháo gỡ vướng mắc một cách triệt để. Đồng thời, trong thời gian chờ này cũng xem xét, rà soát nhằm khắc phục, giải quyết kịp thời những kiến nghị phù hợp của người dân, nhất là khi mùa mưa bão cũng tới gần. 

Dự án Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi (còn gọi khu đô thị Bình Minh) được mệnh danh là khu "phố nhà giàu của xứ Thanh", với nhiều căn biệt thự "đình đám", kiến trúc đa dạng cùng nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Theo tìm hiểu, dự án được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư ngày 21/9/2004. Dự án có diện tích hơn 47ha, trong đó, đất xây dựng nhà ở là 19,98ha với các hạng mục: chung cư, nhà chia lô, nhà liền kề và nhà vườn. Diện tích còn lại là các hạng mục như đường giao thông, các công trình công cộng (nhà trẻ, mẫu giáo, dịch vụ, thương mại), sân thể thao, cây xanh. Dự án do Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư.

Tới ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định số 4508/QĐ-UBND, chấp thuận phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết để điều chỉnh giảm diện tích, số lượng chung cư cao tầng từ 10 tòa xuống còn 6 tòa tại dự án Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi nhằm đảm bảo tốt hơn về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực, và thay vào đó là diện tích đất ở phân lô, liền kề và nhà vườn, biệt thự. Ngoài ra, theo điều chỉnh này diện tích đất thể dục thể thao, cây xanh bãi xe cũng được điều chỉnh giảm để bổ sung bố trí đất tái định cư và đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật.  

Một số hình ảnh tưởng phản tại dự án Khu đô thị Bình Minh:

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 4).

Đường dẫn vào một hộ dân trong dự án.

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 5).

Nước đọng, hôi thối gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 6).

Căn nhà cấp 4 "chờ sập" sau hơn 2 thập kỷ.

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 7).

Người dân hàng ngày vẫn đi qua con đường "thôn quê" ra khu đô thị Bình Minh, phồn hoa bậc nhất xứ Thanh.

Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 8).
Dân sinh - Nơi người dân bị 'tụt lại' gần 2 thập kỷ giữa lòng Tp.Thanh Hóa (Hình 9).

Mệnh danh là khu phố nhà giàu, khu đô thị Bình Minh tập trung nhiều biệt thự tiền tỷ của giới nhà giàu xứ Thanh.