Những phẩm chất đó được Người khái quát trong 2 chữ đức và tài. Ngày nay, trong thời đại công nghệ số, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt, nhất là đào tạo nguồn nhân lực truyền thông trẻ-đội ngũ kế cận là một trong những giải pháp mang tính then chốt góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Để đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, trong các đơn vị, dù hoạt động với tư cách pháp nhân nào, thì việc đào tạo, quản lý và phát huy năng lực nhân sự luôn cần được ưu tiên hàng đầu. Trong thời đại công nghệ số, công tác quản trị nhân sự cần tập trung phát triển nguồn nhân lực truyền thông trẻ để có thể cập nhật xu hướng, áp dụng chuyển đổi số vào công việc một cách nhanh chóng, khoa học và hiệu quả.
Muốn chuyển đổi phải có kiến thức và tầm nhìn
Thuật ngữ chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn từ năm 2018 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3/6/2020. Chuyển đổi số chính là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Thế giới luôn vận động, biến đổi. Mỗi con người muốn tồn tại và phát triển đều cần hội nhập, học tập, bồi dưỡng để thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, muốn chuyển đổi số trước hết cần phải nhanh chóng chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số.
Với công tác quản trị nhân sự, khi mọi vấn đề đều hầu như phụ thuộc vào công nghệ thì việc áp dụng chuyển đổi số là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này sẽ giúp cho các đơn vị tối ưu hóa quy trình quản lý nhân sự, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nâng cao tính chính xác và thuận tiện hơn, nhanh hơn trong quá trình quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nhân sự có thể tăng tính minh bạch, giảm bớt các sai sót so với cách làm thủ công trước đây.
Chuyển đối số và yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực truyền thông
Thế giới đang diễn ra sự phát triển vũ bão của công nghệ số. Những năm gần đây, con người đã bước vào một kỷ nguyên số hóa cao độ, làm thay đổi căn bản tính chất tương tác giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội. “Cơn sóng thần” số hóa ập vào mọi ngõ ngách của đời sống, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ của mọi giới, mọi ngành nghề, mọi người, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Chính vì sự biến đổi cả về phương thức lẫn nội dung dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhân sự truyền thông trong các tập đoàn, công ty đương nhiên cũng nằm trong vòng biến đổi đó và buộc phải thay đổi.
Chuyển đổi số thực chất là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Hiểu đơn giản: Chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc với các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hoá (digitization) - việc chuyển đổi vạn vật sang các định dạng số; mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số (digitalization), chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi (transformation), trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia, bộ ngành, địa phương… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy.
Tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc, các luận điệu sai trái, thù địch ngày càng dày đặc trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thức sức mạnh truyền tin từ các mạng xã hội là một thách thức rõ nét với báo chí chính thống cũng như lực lượng nhân lực truyền thông.“Những mạng xã hội như Facebook và Twitter đang thật sự thay đổi diện mạo của báo chí. Hầu như bất kỳ một phóng viên báo chí khôn ngoan nào cũng dùng Facebook hay Twitter” (Evan Smith - Tổng Biên tập Tạp chí Texas Monthly). Từ đó có thể nhận thấy tầm quan trọng của những nhà báo, đội ngũ làm truyền thông khi dùng mạng xã hội.
Một cách khách quan, không thể phủ nhận nguồn tin trên mạng xã hội là rất nhiều và nhiều tin quý, mặc dù vậy vẫn luôn có nhiều tin giả mạo, xuyên tạc, không đúng sự thật, thậm chí là có nhiều nguồn tin với luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Nhưng với vai trò, khả năng thẩm định, trách nhiệm xã hội và kỹ năng tác nghiệp, nhà báo cũng như những nhân sự truyền thông phải luôn có trách nhiệm cao với xã hội, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để góp phần vào việc bảo vệ chính đơn vị mình nền tảng tư tưởng của Đảng.
Yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực truyền thông trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là thay đổi tư duy chiến lược, xác định rõ mối quan hệ giữa mô hình tổ chức, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông sáng tạo; xác định rõ nguồn nhân lực và yêu cầu đối với nguồn nhân lực tổ chức, triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông này trong thực tế.
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng và vấn đề đặt ra
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “…Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)…”.
Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực. Quan điểm quản trị ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đào tạo đội ngũ lao động đơn thuần mà tiến tới phát triển nguồn nhân lực phù hợp mới là tài sản của doanh nghiệp, của đất nước. Phù hợp ở đây chính là một đội ngũ cán bộ chất lượng cao - phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước trong thời kỳ mới, nhất là trong nền công nghiệp 4.0, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực truyền thông sẽ góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp và rộng hơn là cho đất nước.
Với việc bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, ứng dụng các phần mềm vào công tác truyền thông, các đơn vị có thể tạo ra những thông điệp đúng, chính xác và hiệu quả, góp phần quan trọng vào hiệu quả kinh tế, tầm nhìn của đơn vị mình. Và khi đã áp dụng khoa học-công nghệ vào công tác truyền thông, các đơn vị có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng tính cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc chuyển đổi số trong công tác phát triển nguồn nhân lực truyền thông cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Để đưa toàn bộ quy trình đào tạo và triển khai kế hoạch lên hệ thống điện tử, các đơn vị cần đầu tư thời gian và kinh phí để cập nhật, hoàn thiện hệ thống. Cần đào tạo nhân viên để có kiến thức chuyên môn cao và năng lực sử dụng các phần mềm, ứng dụng mới. Ngoài ra, các đơn vị cần bảo đảm rằng dữ liệu và thông tin nhân viên được bảo mật, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong môi trường làm việc có bản sắc văn hóa đáng tự hào: "Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn" tại Vietcombank, chúng tôi đã luôn cố gắng nỗ lực mỗi ngày để có thể được đứng trong hàng ngũ những người làm ngân hàng uy tín nhất. Năm 2023, dấu mốc lịch sử 60 năm của Vietcombank đã khắc ghi những giai đoạn phát triển rực rỡ, thăng hoa, qua đó khẳng định vị trí dẫn đầu của chúng tôi với hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Cùng với mục tiêu và tầm nhìn mới: “Đến năm 2030, trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu”, Vietcombank coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Ban lãnh đạo Vietcombank vẫn luôn coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về "Tâm lực - Trí lực - Kỹ lực - Thể lực"; chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là chìa khóa mang lại thành công cho ngân hàng.
Cùng với quyết tâm trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, Vietcombank đã và đang đổi mới, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác tổ chức và nhân sự. Tuyển dụng nhân sự cấp cao, chuyên gia nước ngoài với trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số để thực hiện hơn 300 sáng kiến với 4 trụ cột số hóa (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation). Vietcombank cũng đã kiện toàn mô hình Khối Bán lẻ, Khối Bán buôn, Khối Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, thành lập mới Khối Vận hành. Đây là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa sử dụng công nghệ 4.0 để giải phóng nguồn lực, tập trung vào công tác bán hàng.
Câu nói mỗi chúng ta đều thuộc nằm lòng: "Vì sự nghiệp mười năm phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun trồng lớp lớp những con người mới, những người cán bộ là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" thể hiện rõ ý nghĩa những giá trị tư tưởng của Người về công tác cán bộ.
Học và làm theo Bác, để lao động có hiệu quả và năng suất, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Người vào trong công tác cán bộ, thì mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên, phải luôn luôn rèn luyện đạo đức, phẩm chất đạo đức cách mạng; không ngừng học tập về mọi mặt; học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng; học tập văn hóa, khoa học-kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ... để chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và làm chủ nguồn nhân lực – chìa khoá vững tin bước vào giai đoạn khởi đầu của Kỷ nguyên số hoá!