Vượt 4 giờ đường núi gõ cửa xin cho con học
Sáng sớm, ba mẹ con chị Nguyễn Thị Tươi (ở nóc Long Mu, thôn 2, xã Trà Nam) lỉnh kỉnh đồ đạc, sách vở, nước uống, đồ ăn “hành quân” đến trường. Từ nhà đến trường mất 4 tiếng
Cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo dạy tiếng Anh cho học trò. Ảnh: PV
Chị Nguyễn Thị Hồng (ở nóc Măng Liệt, xã Trà Nam) dắt con trai Nguyễn Quốc Kỳ đến xin tham gia lớp học. Kỳ năm nay lên lớp 4, học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học & Trung học cơ sở Long Túc. Chị Hồng sợ nghỉ hè Kỳ ham chơi quên chữ nên muốn con theo lớp học này. “Sợ nghỉ hè lâu quá quên hết kiến thức nên mình dẫn con đến đây để xin được tham gia lớp học. Dẫn con lên đây rồi mình mới lên rẫy”, chị Hồng nói.
Nối dài giấc mơ con chữ
Lớp học được tổ chức miễn phí nhằm củng cố, bổ sung, hệ thống kiến thức bị “hổng” cho học sinh có nhận thức chậm, lực học yếu, kém ở bậc tiểu học. Ba môn học chính phụ đạo là Toán, Văn, Ngoại ngữ, học sinh học từ thứ 2 đến thứ 4 hằng tuần. Đứng lớp là ĐVTN tình nguyện và những thầy cô giáo trẻ. Ngoài ra, các phụ huynh thay phiên nhau ở lại để hỗ trợ chuyện ăn, ngủ cho các em.
Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở xã Trà Nam cho biết, lớp học được nhà trường phối hợp với Huyện Đoàn Nam Trà My tổ chức nhằm bồi dưỡng kiến thức cho những em học sinh yếu, kém. Nhà trường tổ chức nhận học sinh, có 60 em đăng ký được chia 5 lớp học. Dù đã đi vào hoạt động vẫn có nhiều học sinh đến xin tham gia.
“Chúng tôi thấy mừng vì nhiều phụ huynh đã biết lo cho con chuyện học hành, nhất là những phụ huynh trẻ tuổi đã rất đề cao việc học hành của các em. Không còn cảnh phải đến từng nhà đi vận động học trò nữa. Các em ở xa nhất cũng được ba mẹ dẫn đến trường năn nỉ xin nhập học”, thầy Chín nói.
Đang nghỉ hè, vợ chồng cô giáo Hồ Thị Loan Thảo (dạy môn tiếng Anh) và thầy Nguyễn Đức Min (dạy môn Toán) vẫn dành thời gian chạy xe máy gần 40km đường đồi núi đi về để đứng lớp dạy miễn phí. Đứa con nhỏ 3 tuổi của hai vợ chồng gửi ông bà ngoại trông nom. Sinh ra ở vùng núi, cô Thảo thấm thía cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc của học trò vùng cao.
“Nhìn tụi nhỏ lem luốc nhưng vẫn yêu con chữ, thèm đi học mình thấy rất thương, như mình hồi xưa vậy. Nên dù nghỉ hè, mình vẫn cố gắng thu xếp để cùng các thầy cô và tình nguyện viên dạy thêm cho các em. Mong sao giấc mơ con chữ của các em được nối dài là mình thấy hạnh phúc”, cô Thảo chia sẻ.
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphattrien.com/uom-mam-xanh-tra-nam-a50224.html