Quảng Nam chạy đua gỡ thẻ vàng thủy sản: Đến từng nhà, 'gõ' từng tàu

Admin

TP - Trước những yêu cầu cấp bách tại thời điểm nước rút trong triển khai các nhiệm vụ gỡ thẻ vàng thủy sản IUU, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã toả đi cơ sở, đến tận nhà, lên tận tàu gặp ngư dân để tuyên truyền và hỗ trợ đăng ký tàu cá.

Đến 20/11 xóa xong tàu cá “3 không”

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tính đến ngày 8/11, tổng số tàu cá đã đăng ký trên địa bàn là 2.997 tàu. Trong đó có 1.960 tàu có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m hoạt động vùng bờ, 419 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng, và 618 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở tuyến khơi.

Đến nay, tỉnh còn 80 cá tàu “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), mục tiêu “xóa” tàu cá 3 không được tỉnh đặt ra hạn chót là ngày 20/11/2024.

Quảng Nam chạy đua gỡ thẻ vàng thủy sản: Đến từng nhà, 'gõ' từng tàu ảnh 1

Lực lượng chức năng đến tận nhà, lên tận tàu để tuyên truyền cho ngư dân về chống IUU

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam Võ Văn Long cho biết, thực hiện nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU, các lực lượng phối hợp triển khai kiên trì, liên tục, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật. Việc triển khai thực hiện đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không” của Biên phòng, Chi cục Thủy sản và các địa phương ven biển đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Đến nay Quảng Nam hoàn thành đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không” được khoảng 95%. Riêng đối với tàu cá “3 không” có chiều dài từ 12m trở lên, nhiều trường hợp chưa thực hiện được việc đăng ký, cấp phép do hồ sơ máy tàu không đảm bảo.

“UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp phép tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06m đến dưới 12m trong tháng 11/2024, tuyệt đối không để phát sinh tàu cá “3 không”, nếu địa phương nào để phát sinh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu

“Lực lượng đang nỗ lực tập trung thực hiện dứt điểm việc đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không”, đến ngày 20/11 tới quyết tâm hoàn thành 100% tàu cá “3 không” dưới 12m, báo cáo Bộ NN&PTNT để chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra EC. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai ngay việc giám sát sản lượng khai thác hải sản tại các xã, phường có bến cá tư nhân, truyền thống”, ông Long cho hay.

Ngư dân Lê Quang Dũng (ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, chủ tàu cá QNa 91039 TS) chia sẻ, nhờ sự hướng dẫn, tuyên truyền của lực lượng chức năng nên giờ đây ông có thói quen cứ mỗi lần trước khi xuất bến ra khơi đều cẩn thận kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo không bị gián đoạn. Ngư dân sẵn sàng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, và tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển.

“Trước kia ngư dân ít để ý tới việc này mà chỉ lo đánh bắt có sản lượng để đem về. Nhưng giờ chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Việc thực hiện các thủ tục được cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn nên thuận tiện hơn nhiều”, ông Dũng bày tỏ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, để xóa tàu cá “3 không”, địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai, hướng dẫn đăng ký, cấp phép. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh liên hệ các cơ sở đăng kiểm để hướng dẫn, hỗ trợ cho ngư dân các thủ tục đăng kiểm đối với tàu cá “3 không” thực hiện hồ sơ thiết kế, kiểm định máy thủy.

Dự kiến đến ngày 20/11, toàn bộ hơn số tàu cá “3 không” của địa phương sẽ được đăng ký, được cấp giấy phép khai thác và được đăng kiểm.

Giảm nguy cơ tàu vi phạm

Theo ngành chức năng, từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là đối với nhóm tàu câu mực khơi khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.

Đối với tàu cá có chiều dài 24m trở lên, nếu mất kết nối trên 6 giờ trên biển, Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm. Thực tế đã có 10 trường hợp bị xử phạt hành chính, với tổng số tiền mà những chủ tàu này phải nộp là hơn 260 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã xử lý trên 150 vụ về khai thác IUU, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 107 vụ với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng, chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở NN&PTNT phải hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase). Đồng thời kiểm tra, kiểm soát tàu ra, vào cảng theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm Biên phòng tuyến biển; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định. Đồng thời thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá Quảng Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.