Sạt lở bủa vây khắp ĐBSCL: Cần giải pháp tổng thể

Admin

TP - Gần một tháng nay, khắp các tỉnh ĐBSCL xảy ra sạt lở gây khó khăn cho người dân và phương tiện giao thông. Đặc biệt, hiện nay đang vào mùa mưa dự báo tình hình sạt lở sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Sạt lở bủa vây khắp ĐBSCL: Cần giải pháp tổng thể ảnh 1
Sạt lở gây ảnh hưởng giao thông nông thôn tại Đồng Tháp

Nhấm chìm nhà đất, xưởng sản xuất

Tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), xảy ra sạt lở vào hai ngày 7 và 8/6 khu vực phía Bắc kênh Bạc Liêu - Cà Mau với chiều dài 150m đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà 13 hộ dân, với 54 nhân khẩu, còn lại 91 hộ có nhà bị rạn nứt có nguy cơ bị sạt lở. Một người dân cho biết, trong vòng 10 phút, mọi thứ đã nằm dưới mặt nước.

Một vụ sạt lở khác vừa xảy ra tại Cty TNHH MTV Thủy sản Trường Phúc ở ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây vào khoảng 2h ngày 9/6. Khu vực sạt lở nằm ở phía sau nhà xưởng của Cty với khung tường cao 2m, với chiều dài 59m, chiều ngang 20m. Tổng diện tích bị sạt lở hơn 1.100m2. Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 2 tỷ đồng. Hiện tại, khu vực sạt lở phần đất của Cty, khoảng cách rất gần nơi trụ cột điện cao thế.

Còn tại Cà Mau, thời gian qua, tình hình sạt lở, sụp lún đất trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh xảy ra 81 vụ sạt lở, sụp lún đất với chiều dài 2.334m; hư hỏng 42 căn nhà, tổng thiệt hại khoảng 4,7 tỷ đồng.

Tại Đồng Tháp, ngày 9/6, trên tuyến kênh Nha Mân - Tư Tải đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành xảy ra vụ sạt lở bờ sông dài khoảng 30m, làm phần nhà sàn kho vật tư nông nghiệp của ông Võ Văn Công và tiệm sửa xe của anh Lương Tấn An bị nhấn chìm xuống sông. Ông Công cho biết, trước 3 ngày, ông phát hiện phần nền nhà sàn có dấu hiệu rạn nứt và sụp lún nên đã nhanh chóng cho nhân công di dời lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp. Tiệm sửa xe của anh Lương Tấn An cũng được di dời kịp thời. Ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ sạt lở trên các sông và kênh rạch nội đồng trên địa bàn huyện Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành, với chiều dài sạt lở là 553m, làm sập 3 căn nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân, ước thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.

Tại An Giang, từ ngày 21-24/5 trên địa bàn huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, sạt lở không gây thiệt hại về người; tuy nhiên tại xã Long Giang (huyện Chợ Mới) thiệt hại 3 căn nhà buộc tháo dời. Còn tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú thiệt hại 4 nhà kho buộc tháo dời và di dời tài sản. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến 1 Xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu.

Theo ông Lương Huy Khanh, nguyên nhân xác định ban đầu là do ảnh hưởng của mùa kiệt, biên độ triều cao và có những đợt mưa đầu mùa đã phá hoại kết cấu đất, kết hợp tác động của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL cho biết, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát, do thủy điện chặn cát và phù sa; khai thác cát không được kiểm soát. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn, sạt lở sẽ là tất yếu và sẽ còn gia tăng.

Sạt lở còn tiếp diễn

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, ngành chức năng tỉnh đã khảo sát các điểm sạt lở nghiêm trọng, đo đạc lòng sông Tiền, sông Hậu chảy qua địa bàn tỉnh tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở; triển khai các dự án chống sạt lở theo các tuyến dân cư, phối hợp địa phương kiểm tra, di dời dân ra khỏi vành đai sạt lở.

Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương, các nhà khoa học thực hiện khảo sát, đánh giá toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu. Từ đó đưa ra các giải pháp khả thi, lâu dài. “Chúng tôi đang sắp xếp lại các lồng bè, thí điểm dùng lồng bè che chắn, giảm tốc độ dòng chảy tại các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự. Đây vừa là giải pháp nằm trong quy hoạch quản lý lồng bè nuôi cá, vừa tạo điều kiện bồi lắng phù sa”, ông Đạt nói.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL cho biết, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát, do thủy điện chặn cát và phù sa; khai thác cát không được kiểm soát. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn, sạt lở sẽ là tất yếu và sẽ còn gia tăng.