Bộ GD&ĐT vừa thông tin về dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024.
Dự thảo thông tư đưa ra một số quy định mới liên quan đến tuyển sinh ĐH thực hiện từ năm 2025.
Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT dự kiến cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm (là những phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ, các kì thi riêng...) theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Ở quy định hiện hành, việc quy định chỉ tiêu từng phương thức xét tuyển do các trường ĐH quyết định và chịu trách nhiệm giải trình. Nhưng quy định trong dự thảo mới, Bộ GD&ĐT dự kiến chỉ cho phép các trường tuyển sinh sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu. Điều này các trường ĐH lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể. Vì hiện những trường này chỉ dành phần nhỏ chỉ tiêu để xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung quy định đối với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên cùng nhóm ngành dự tuyển vào ĐH nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí: học lực 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên; tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực cấp THPT đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đạt loại giỏi trở lên; tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo.
Đối với thí sinh dự tuyển vào ĐH các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kĩ thuật phục hình răng, Kĩ thuật xét nghiệm y học, Kĩ thuật hình ảnh y học, Kĩ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau: học lực cấp THPT đạt loại khá hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên; tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực cấp THPT đạt loại trung bình và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học đạt loại khá trở lên.
Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), dự thảo yêu cầu: tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;
Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm;
Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích). Ví dụ thang điểm chuẩn trường ĐH quy định là 30 thì không được để xảy ra tình trạng thí sinh vượt quá 30 điểm sau khi được quy đổi như thời gian vừa qua.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.