Sinh viên dạy online bị quỵt tiền

Admin

Gia sư là một trong những công việc phổ biến của sinh viên để kiếm thêm thu nhập. Khi các nền tảng dạy từ xa trở nên phổ biến, nhiều gia sư cũng dạy online, nhưng lại gặp phải tình trạng éo le: bị quỵt tiền.

Sinh viên dạy online bị quỵt tiền - Ảnh 1.

Một số sinh viên gặp phải tình trạng quỵt tiền khi làm gia sư online - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

Bạn Nguyễn Thanh Hào đang là sinh viên năm 4, ngành ngôn ngữ Anh thuộc Trường đại học Công Thương TP.HCM. Để kiếm thêm thu nhập, Hào làm gia sư môn tiếng Anh với hình thức kèm 1-1.

Hứa hẹn không hồi kết

Hào chia sẻ mình đã dạy được 12 buổi cho một học viên tên M., nhưng bạn vẫn chưa nhận đủ 2 triệu tiền học phí. M. mới thanh toán 1 triệu, sau đó kiếm cớ làm khó dễ. M. hứa hẹn sẽ trả số tiền còn lại, với những câu nói quen thuộc như "yên tâm, tôi hứa, chắc chắn, lần cuối"...

Vì biết nhà của M., Hào thậm chí đã nhiều lần đến nhà M. để yêu cầu nộp phần còn lại của học phí. Tuy nhiên đã hơn 2 tháng trôi qua M. vẫn làm ngơ, chỉ nói lương công ty chưa trả nên chưa thể tất toán.

"Giữa người dạy và người học đều không cam kết bằng văn bản nên dù đã đòi nhiều lần nhưng tình hình vẫn không theo hướng tích cực", Hào nói.

Trong khi đó, Thanh Hằng - sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cũng dạy gia sư online để trang trải chi phí học tập. Hằng nhận được lời mời dạy toán từ một phụ huynh qua mạng xã hội. Người này giới thiệu mình là mẹ đơn thân, đang tìm gia sư giúp con trai chuẩn bị cho kỳ thi. Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất học phí là 200.000 đồng mỗi buổi, thanh toán vào cuối tháng.

Những buổi đầu mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Học sinh khá ngoan, tiếp thu bài tốt. Phụ huynh cũng thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, khiến Hằng cảm thấy an tâm. Đến cuối tháng, Hằng nhắn tin nhắc khéo về tiền lương nhưng phụ huynh viện lý do đang bận, hứa sẽ chuyển khoản sau.

Hằng kiên nhẫn chờ thêm một tuần. Tuy nhiên sau đó tin nhắn của cô không được hồi đáp, cuộc gọi cũng không ai nghe máy. Hằng cảm thấy bất an và thử tìm cách liên lạc khác, nhưng phát hiện tài khoản của mình đã bị chặn trên mọi nền tảng. "Cảm giác bị lừa đảo khiến mình tức giận. Số tiền không quá lớn, nhưng đó là công sức mình bỏ ra suốt một tháng trời", Hằng nói.

Để không mất tiền

Một giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (TP.HCM) có làm gia sư trực tuyến chia sẻ trước khi dạy thêm, cô luôn tìm hiểu kỹ các thông tin cá nhân như họ và tên, địa chỉ nhà, số điện thoại và xác nhận bằng căn cước công dân của học trò. Theo cô, việc nắm được nhân thân và những thông tin cơ bản trên sẽ giúp tạo niềm tin cao hơn là không biết gì về người học.

"Nếu có thể, nên tìm hiểu thêm về bạn học của học trò mà bạn dạy online để biết học trò là người thế nào", giáo viên này hiến kế.

Tương tự, trưởng bộ phận tuyển sinh của một trung tâm gia sư online cho rằng trước hết, sinh viên gia sư nên thỏa thuận rõ ràng với phụ huynh hoặc học sinh về học phí, thời gian học và hình thức thanh toán. Nên xác nhận lại các điều khoản qua tin nhắn hoặc email để có bằng chứng khi cần thiết.

"Để đảm bảo quyền lợi, nên yêu cầu thanh toán trước một phần, chẳng hạn 50% học phí, hoặc thỏa thuận thanh toán theo tuần thay vì chờ đến cuối tháng. Trong trường hợp gặp những phụ huynh nghi có thái độ mập mờ, hứa hẹn không rõ ràng hoặc từ chối thanh toán trước, nên cân nhắc từ chối nhận lớp. Khi cẩn thận và chuẩn bị chu đáo, giáo viên sẽ tự tin hơn để dạy thêm online và bảo vệ được quyền lợi của mình", vị này nói.

Chặn đường liên lạc

Tình trạng bị quỵt học phí không những xảy ra ở các bạn sinh viên dạy trực tuyến hay trực tiếp mà ngay cả một số giáo viên nhiều năm kinh nghiệm vẫn ít nhiều gặp phải. Điển hình, chị V.T.U., 36 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy bồi dưỡng văn hóa, dạy kỹ năng sống và các em có những trường hợp đặc biệt như tiếp thu chậm, cha mẹ ly dị tại trung tâm T.T (Đà Nẵng).

Chị U. tưởng chừng với những trường hợp đặc biệt ấy, các bậc phụ huynh sẽ biết ơn cô hơn. Nhưng hóa ra thỉnh thoảng chị vẫn gặp tình trạng "chạy" học phí. Chị nói mặc dù đã quy định rõ ràng về thời điểm chi trả học phí nhưng có một số phụ huynh khất học phí với lý do chưa nhận được lương, thậm chí có những trường hợp chặn Facebook, tin nhắn.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đối với những trường hợp quỵt học phí trên 2 triệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có yếu tố gian dối hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác, căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Nạn nhân có thể trình báo tới các cơ quan công an, liên hệ với phụ huynh, người thân, giáo viên, nhà trường đối với học sinh sinh viên hoặc cơ quan, nơi làm việc của học viên đối với người đi làm để cung cấp thông tin nhờ phản ánh vụ việc. Đồng thời, các bạn có thể đưa ra lời cảnh báo, nhắc nhở bạn bè, người thân xung quanh.

Còn TS Nguyễn Thị Hồng Vân, giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết quan hệ dạy kèm là quan hệ dân sự nên có thể kiện ra tòa trong trường hợp có tranh chấp. Ngoài ra, gia sư bị quỵt học phí có thể gửi đơn đến công an khu vực tố về hành vi chiếm đoạt tiền để họ hỗ trợ.

Theo bà, trước khi dạy học, gia sư nên soạn sẵn bản hợp đồng với đầy đủ thông tin và nội dung về quyền và nghĩa vụ cũng như biện pháp chế tài nếu vi phạm. Đây chính là căn cứ pháp lý để có thể yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ khi một bên vi phạm.

Sinh viên dạy online bị quỵt tiền - Ảnh 2.Dở khóc dở cười dạy online tiểu học

TTO - Dạy học trực tuyến với những đứa trẻ 6-7 tuổi không thể nào có 'kịch bản' đủ cho mọi tình huống đôi khi dở khóc dở cười.