Thông tin về tình hình đèn tín hiệu giao thông kể từ khi nghị định 168/2024 có hiệu lực, ông Trần Hữu Bảo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết đơn vị này đang quản lý khoảng 800 nút giao có đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố.
Xác nhận một số trụ đèn có lúc gặp trục trặc, ông Bảo cho biết do đặc trưng tính chất của máy móc, nên tình trạng này không tránh khỏi.
Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có các đơn vị quản lý đèn tín hiệu chia theo địa bàn. Khi có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc đèn gặp sự cố, ông Bảo khẳng định sẽ có lực lượng xử lý và thông tin lại ngay với người dân thông qua phương tiện truyền thông.
"Sự cố của đèn tín hiệu là có, nhưng chúng tôi sẽ khắc phục nhanh nhất", ông nói.
Về việc cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ ở các nút giao, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định thành phố đã thực hiện điều này từ trước đây. Các nút giao đủ điều kiện đã có biển báo, tín hiệu đèn, tổ chức giao thông, cho phép người dân rẽ phải liên tục.
"Hiện nay, TP.HCM đang làm điều này và có tham khảo cách thức triển khai của Hà Nội", ông Bảo khẳng định, đồng thời cho biết đơn vị này đang giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội tiếp tục rà soát, từ đó bố trí thêm các nút giao cho dòng xe được rẽ phải liên tục.
Về việc pha đèn đỏ tại một số nút giao bị người dân phản ánh là "quá dài", vị lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng chu kỳ đèn phụ thuộc vào việc cân đối lưu lượng theo các hướng.
Trong khi đó, nhiều nút giao thông ở Hà Nội đang có lưu lượng vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Do vậy cơ quan chức năng phải ưu tiên tuyến chính, hướng có lưu lượng lớn hơn để nhanh chóng giải phóng xe cộ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đồng thời tiếp thu ý kiến người dân. Trong quá trình phối hợp với Công an Hà Nội triển khai sẽ không cứng nhắc, có sự rà soát để điều chỉnh phù hợp với thực tế vào từng thời điểm.