Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố

Admin

Hương sen toả ngát trên những cánh đồng, ao, hồ nơi mà chỉ vừa mới đây còn là đầm trũng, bỏ hoang.

Mồ hôi trên những đầm sen

Khi mặt trời chưa ló rạng là lúc ông Long (73 tuổi, lao động tại HTX Hào Thành ở xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh) chèo thuyền ra giữa đầm sen hái những bông múp mẩy nhất, nhẹ nhàng đặt chúng lên chiếc thuyền độc mộc. Những bông sen được ông Long đưa về cho tốp lao động ở nhà ướp trà. Cả quá trình hái bông cho đến lúc ướp trà chỉ diễn ra trong vòng 3 tiếng đồng hồ từ 4h đến 7h sáng mỗi ngày.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố

 4 – 7h sáng là thời gian lý tưởng để hái sen.

Ông Long cho hay, đây là thời điểm bông sen cho hương thơm nhất, đạt nhiệt độ để ướp trà. Sau 24 tiếng, trà được lấy ra khỏi búp để đi sấy, đóng gói. Công việc cho ông và nhiều lao động tại đây thu nhập từ 6 – 8 triệu/tháng.

Ngoài lượng sen ủ trà, hàng ngày ông Long còn hái sen phục vụ cho khách mua chơi hay khách đến đầm chụp ảnh. Nhìn những đầm sen bạt ngàn, toả ngát ít ai biết để có những đầm sen khoe sắc như hôm nay là cả quá trình “vật lộn”.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 2).

Đối với ông Long, Sen không chỉ là công việc mà còn cho ông niềm vui, yêu đời.

"Sen là giống hoa rất kỹ. Ao hồ phải xử lý hữu cơ, xử lý bùn sạch, nước đảm bảo đủ lượng và xử lý ốc bươu vàng tránh ăn mầm. Bao nhiêu mồ hôi của tôi cùng rất nhiêu người tại HTX đã đổ xuống những đầm sen này. Giờ đây, nhìn những hồ sen bạt ngàn, tôi vui lắm. Công việc này ngoài thu nhập còn cho tôi niềm vui”, ông Long chia sẻ.

Nung nấu biến những vùng ao, hồ, đầm lầy trở thành những vùng trồng sen, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm từ sen, dự án mang tên “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại thành phố Hà Tĩnh” đã được hình thành và triển khai. Với tình yêu dành cho những bông sen, anh Trần Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Hào Thành đã quyết tâm theo đuổi dự án này.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 3).

Đầm sen cánh trắng viền hồng của HTX Hào Thành đang thời điểm cho thu hoạch bông.

Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được HTX Sen Hào Thành triển khai từ tháng 5/2021, liên kết với các tổ hợp tác, hộ dân tại địa phương để sản xuất các sản phẩm từ sen. HTX Hào Thành đã phải trồng thử nghiệm rất nhiều lứa sen. Có những lứa mất trắng do hồ bị ô nhiễm hữu cơ.

Làm nông nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhưng tình yêu với loại hoa sen, sự tin tưởng vào hướng đi này, sau 3 năm, HTX Hào Thành đã hình thành được 3 đầm sen, tổng diện tích hàng chục ha với trên 10 giống sen lấy búp, lấy hạt, lấy củ. Ngoài xã Thạch Hưng, Thạch Đồng, HTX còn liên kết trồng tại phường Văn Yên, Thạch Linh. Bước đầu, cho các sản phẩm từ sen bao gồm: Trà sen, rượu sen, hạt sen sấy, miến làm từ củ sen…

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 4).

Giống sen bách diệp hồ tây với đặc trưng mùi thơm rất riêng, có thể thu hoạch bông và ướp trà.

“Hiện, sản phẩm từ sen của HTX có trà sen đã đạt được sản phẩm OCOP 3 sao, các sản phẩm hạt sen sấy được bày bán, đưa ra thị trường thông qua các cửa hàng nông sản sạch Hà Tĩnh”, ông Sỹ phấn khởi.

Công viên nông nghiệp trong lòng thành phố

Từ bao đời nay, hình ảnh bông hoa sen đã gắn liền với biểu tượng của TP.Hà Tĩnh. Trái tim của tỉnh còn được gọi bằng cái tên rất thơ: Thành phố Thành Sen.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 5).

Một đầm sen giống cao sản mặt bằng cho thu hoạch hạt của HTX Hào Thành tại xã Thạch Môn.

Theo một lãnh đạo TP.Hà Tĩnh, chính bởi ý nghĩa đó, dự án hình thành một công viên nông nghiệp trong lòng thành phố đã được thai nghén, triển khai. Hiện, diện tích trồng sen chủ yếu đang tận dụng các đầm, hồ bỏ hoang, ngoài tiết kiệm chi phí đầu tư thì việc phát triển, trồng sen còn thay đổi cảnh quan thành phố, tiến tới làm du lịch, dịch vụ tại chỗ, vừa cho ra chuỗi sản phẩm từ sen.

“Đây là hướng đi mới để hình thành các cánh đồng sen trong tương lai, người trồng sen có thể phát triển du lịch tại chỗ, đồng thời thay đổi cảnh quan của TP.Hà Tĩnh đúng với tên gọi Thành Sen. Mở ra hướng mới liên kết, tiến tới xây dựng bộ nhận diện TP, trở thành một khu phức hợp”, vị lãnh đạo này nói.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 6).

Ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP.Hà Tĩnh rất tâm huyết, đồng hành cùng HTX trong suốt quá trình thực hiện dự án này.

Theo tìm hiểu, hiện, mô hình trồng sen đã được triển khai tại các phường, xã trong lòng TP gồm: Xã Thạch Hưng, xã Đồng Môn, phường Thạch Linh, phường Văn Yên và nhân rộng ra các địa bàn trên toàn tỉnh như huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 7).

Tất cả các vấn đề về “sức khoẻ” các giống sen từng ngày được Trung tâm  Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP.Hà Tĩnh theo sát.

Ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP.Hà Tĩnh cho biết, toàn thành phố hiện đã trồng tổng 25 ha sen. Nhiều đầm ở xã Thạch Hưng, xã Thạch Môn, phường Thạch Linh đã đưa vào khai thác, lấy hoa, ướp trà và chế biến các sản phẩm từ sen.

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 8).

Giống sen trắng huế lấy hạt hiện cho hiệu quả tốt, không đủ cung cấp cho thị trường.

Sau 3 năm nghiên cứu, trung tâm đã đưa vào hơn 10 loại giống sen trồng thí điểm như: Bách diệp hồ tây, cao sản mặt bằng (lấy hạt); sen tứ thời (lấy hạt và hoa), sen cánh trắng viền hồng (lấy hoa, làm trà), sen trắng huế (lấy hạt), sen ô ga Nhật Bản (lấy củ), sen quan âm, sen super (lấy hoa)...

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 9).

Những đầm sen bạt ngàn đang dần thay đổi cảnh quan thành phố.

Đối với sen bạch diệp hồ tây, năng suất tối thiểu 50.000 bông/ha/vụ; hạt cao sản mặt bằng 2 tấn/ha/vụ. Các loại sen lấy hoa hiện giá bán từ 3 – 5.000 đồng/bông; hạt sen chưa bóc vỏ 30 - 35.000 đồng/kg, hạt bóc vỏ sấy khô 100 - 120.000 đồng/kg. Theo đánh giá, đối với trồng sen lấy hạt, người nông dân có thể cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm và trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ. 

Dân sinh - Thành Sen - công viên nông nghiệp trong lòng thành phố (Hình 10).

Những đầm sen toả ngát, thu hút lượng lớn khách đến chụp ảnh.

“Đối với các loại lấy hoa, dịp mồng 1, ngày Rằm, các thương lái đến trực tiếp tại đầm thu mua. Để có hướng đi lâu dài cho cây sen, trong kế hoạch, tiến tới sẽ phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn thành phố và lân cận; đầu tư nhà xưởng máy móc thiết bị để chế biến sâu các sản phẩm hạt sen sấy, mứt sen, trà tâm sen, củ sen sấy, miến củ sen....”, ông Phương phấn khởi chia sẻ.