Thay van động mạch phổi qua da, giúp bệnh nhân thoát cuộc đại phẫu

Admin

TPO - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa liên tiếp thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da cho 5 bệnh nhân bị biến chứng sau phẫu thuật tứ chứng fallot. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí rất cao và chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên đang là rào cản với người bệnh.

Sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trở thành đơn vị tiên phong thực hiện kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhân. Đây là phương pháp được chỉ định cho những trường hợp mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot đã được phẫu thuật nhưng gặp biến chứng hở van động mạch phổi.

Thay van động mạch phổi qua da, giúp bệnh nhân thoát cuộc đại phẫu ảnh 1

Các bác sĩ thực hiện phương pháp thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Nếu thực hiện theo phương pháp cổ điển, bệnh nhân sẽ phải mở lồng ngực để thay van. Phương pháp này có mức độ xâm lấn rất lớn, nguy cơ biến chứng cao, người bệnh phải nằm viện kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe sau phẫu thuật.

Theo TS.BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, với kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da các bác sĩ sẽ sử dụng một khung kim loại với hình dáng giống như mạch máu (stent), trên đó gắn một van tim nhân tạo, tất cả được thu nhỏ vào một chiếc ống thông.

Ống thông sẽ được luồn từ một mạch máu lớn từ đùi để đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, hở. Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, ít gây biến chứng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau can thiệp.

GS.TS.BS Trương Quang Bình, chuyên gia lĩnh vực tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế, hiện nay các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật trên. Bước đầu bệnh viện đã thực hiện thành công cho 5 trường hợp và đang từng bước đẩy mạnh phương pháp thay van động mạch chủ qua da để thực hiện thường quy cho cả người lớn và trẻ em.

Thay van động mạch phổi qua da, giúp bệnh nhân thoát cuộc đại phẫu ảnh 2

Cô bé 14 tuổi là 1 trong 5 bệnh nhân đầu tiên được thay van động mạch phổi qua da tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Một trong những trường hợp tiêu biểu nhất vừa được can thiệp thành công là bệnh nhân T.T.N.T (14 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Được biết, khoảng 5 tháng sau khi chào đời, bé được chẩn đoán bị tứ chứng fallot bẩm sinh, nguy cơ tử vong. Năm 2012 bệnh nhi được phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn tứ chứng, sau phẫu thuật bệnh nhi đỡ tím tái, tăng cân.

Tuy nhiên, đến năm 2019 bệnh nhi bị biến chứng hở van động mạch phổi nặng, được bác sĩ chỉ định thay van động mạch phổi. Tháng 4/2023 bệnh nhân đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện thành công phương pháp thay van động mạch phổi qua da. Chỉ 2 giờ sau can thiệp, bệnh nhân đã được rời phòng theo dõi hậu phẫu, hiện N.T đã hoàn toàn khỏe mạnh, trở lại với cuộc sống, học tập bình thường.

Thay van động mạch chủ qua da được các chuyên gia đánh giá là giải pháp mang lại rất nhiều ưu điểm, giúp bệnh nhân bình phục nhanh và đạt hiệu quả cao trong điều trị. Tuy nhiên, đây là phương pháp mới chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên chi phí điều trị rất cao. Mẹ bệnh nhi N.T cho biết: “Tổng chi phí gia đình phải chi trả để thực hiện kỹ thuật cho con tốn gần 600 triệu đồng. Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ được bảo hiểm y tế xem xét thanh toán để nhiều bệnh nhân có thể tiếp cận”.

“Tứ chứng fallot, là bệnh tim bẩm sinh phức tạp chiếm 5 đến 10% bệnh tim bẩm sinh, nồng độ oxy máu thấp khiến trẻ tím tái, nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp sớm. Nhóm bệnh nhân sau phẫu thuật tứ chứng fallot sẽ có khoảng 20% đến 30% gặp biến chứng hở van động mạch phổi nặng. Để tránh nguy cơ tử vong, bệnh nhân cần được can thiệp thay van động mạch phổi càng sớm càng tốt” - TS.BS Cao Đăng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Người đàn ông nguy kịch vì ăn ve sầu tưởng đông trùng hạ thảo
WHO hỏa tốc viện trợ thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam trong đêm
Cỏ mỹ, thực phẩm tẩm ướp ma túy, chất gây nghiện "bủa vây" học sinh
Quan hệ đồng giới với nhiều người, thanh niên 'dính' cả HIV và giang mai ác tính
Quan hệ đồng giới với nhiều người, thanh niên 'dính' cả HIV và giang mai ác tính