Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 2: Giải mã những học sinh 'mất kết nối'

Admin

TP - Được ví như những bông tuyết, thế hệ học sinh, sinh viên gen Z, gen Alpha (sinh ra từ năm 2000 đến nay) vừa long lanh, vừa dễ gãy vỡ. Những gì các em biểu hiện chỉ là phần nổi của những tích tụ lâu ngày không được tháo gỡ.

Nhận diện học sinh cô đơn

Nhiều năm nay, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), mỗi ngày đến trường không chỉ hoàn thành công việc của một giáo viên với những tiết học Ngữ văn sinh động, mà còn là “người gỡ rối” cho học sinh. Cô là Trưởng ban Tư vấn tâm lý, được phân công chuyên trách tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường, đặc biệt là những trường hợp cá biệt. Cô được nhiều học sinh tin tưởng chia sẻ những khúc mắc tuổi học trò.

Thông thường các học sinh sẽ tìm đến cô Kim Anh nhưng nhiều trường hợp cô chủ động tìm đến các em. Chính nhờ 32 năm dạy học và làm công tác chủ nhiệm nên cô có “con mắt” nhìn ra những vấn đề tâm lí của học sinh. Cô Kim Anh cho biết, mỗi lớp học hiện nay đều có những học sinh cần hỗ trợ tâm lí. Đặc điểm chung của những học sinh này là mất kết nối. Các em ngồi trong lớp, sống giữa bạn bè nhưng tự thấy cô đơn.

Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 2: Giải mã những học sinh 'mất kết nối' ảnh 1

Những đứa trẻ rất cần cái ôm đúng lúc của bậc làm cha mẹ. Ảnh: Trọng Tài

Theo cô Kim Anh, hiện có hai dạng nhóm học sinh mất kết nối trong trường học. Một số em mất kết nối nhưng không có nhu cầu kết nối. Các em nén vào bên trong và chấp nhận không cần bạn bè, tự chơi game, nghe nhạc một mình. Thiếu sự tương tác, kết nối, các em rất dễ bộc phát mất kiểm soát, nổi nóng, có thể đấm bàn, chống lại bố mẹ. Nguyên nhân của những hành động này là do những tích tụ từ trước. Những em này đóng cửa hoàn toàn kênh giao tiếp, ngay cả với giáo viên tư vấn tâm lí của nhà trường.

“Tư vấn tâm lí học đường đã được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm và đã tổ chức hiệu quả hơn 10 năm nay. Sau dịch bệnh COVID-19 càng đi vào chiều sâu. Nhiều thầy cô chủ nhiệm và phụ huynh cùng phối hợp, nhưng chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ, điều chỉnh học sinh cần giúp đỡ. Đây cũng là trăn trở chung của những người làm giáo dục hiện nay”.

Cô Kim Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội)

Theo cô Kim Anh, có những trường hợp mời xuống phòng trò chuyện 3 ngày, khi cô hỏi, các em đều có chung câu trả lời: “Bình thường ạ”. Nhưng đó là câu trả lời mà những người làm công tác tư vấn học đường như cô lo nhất. Bởi cái “bình thường” ấy đang cất giấu cái bất thường ở bên trong những tâm hồn khóa kín.

Nhóm đối tượng thứ 2 mất kết nối là các em khao khát được kết nối nhưng không biết cách làm thế nào. Những em này luôn nhìn các mối quan hệ xung quanh theo chiều hướng tiêu cực, luôn suy nghĩ mọi người có ác ý với mình. Có em tự khép kín, tới một ngày người bạn thân nhất cũng không nói chuyện được.

“Nguyên nhân do em học sinh này bị cảm, nôn ở lớp và rơi vào trạng thái bế tắc, cảm thấy bạn nào cũng đang nhìn mình bằng con mắt khác, không ai chia sẻ, cảm thông. Lúc đó, tôi phải mất nhiều thời gian để hỗ trợ tâm lí cho học sinh, giúp em tìm lại được niềm tin trong môi trường học đường. Làm công tác tư vấn học đường lâu năm, tôi cho rằng học sinh hiện nay mong manh, dễ tổn thương từ những điều nhỏ nhặt đến không ngờ”, cô Kim Anh chia sẻ.

Theo cô Kim Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất kết nối này không ít trường hợp xuất phát từ việc mất kết nối với gia đình, bố mẹ. Các em không tìm được tiếng nói chung nên dần dần đóng kín cảm xúc, ngại chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Mặt khác, nó xuất phát từ sự kì vọng quá mức của bố mẹ vào con cái bằng cách luôn so sánh con mình với “con nhà người ta”. Vì thế, áp lực đồng trang lứa hiện nay của học sinh rất lớn.

Việc sống tách biệt với bạn bè, theo cô Kim Anh, xuất phát từ việc có sự vênh không nhỏ giữa các luồng giáo dục đối với một đứa trẻ. Ví dụ, ở trường cô giáo dạy phải yêu lao động, lao động là vinh quang. Nhưng về nhà, bố mẹ lại luôn lấy hình ảnh những người làm lao động chân tay ra “dọa”, nếu con học không tốt thì phải lao động như thế. Học sinh hoang mang giữa hai sự giáo dục này.

“Một phần không nhỏ là ý thức về bản thân của thế hệ trẻ ngày nay rất mạnh, đòi hỏi tất cả mọi người phải quan tâm. Khi không đạt được điều đó, các em cảm thấy thất vọng về thế giới xung quanh vì mọi người đã không hiểu, không xứng với mình”, vị chuyên gia học đường chia sẻ.

Những góc khuất khó tỏ bày

Là người luôn quan sát, đồng hành cùng học sinh bên ngoài những tiết học, cô Kim Anh cảm thấy luôn trăn trở vì không thể hiểu hết được học sinh của mình. Có những lúc hiểu được cô thấy thương học trò vì các em có lí. Cô lấy ví dụ, rất nhiều lần chỉ vừa vào lớp hoặc chỉ còn 1 phút nữa là hết tiết nhưng vẫn có học sinh xin đi vệ sinh. Ban đầu dù thấy giận trong người nhưng cô vẫn kìm lòng lại. Nhưng nhiều lần như thế, cô buộc phải hỏi “Tại sao?”, lập tức có em học sinh phản ứng: “Cô có biết nhà vệ sinh khi đúng giờ nghỉ đông thế nào không ạ? Ra sớm một chút sẽ không phải xếp hàng”.

Sự “bật lại” của học sinh khiến cô Kim Anh nhận ra rằng mình chưa bao giờ đi vào nhà vệ sinh của các em giờ nghỉ nên không hiểu được cảm giác khi đứng chờ, chạm mặt cả tá bạn nơi đây. Sau đó, cô cảm ơn em học sinh này vì đã cho biết một thực tế, và cần phải công bằng với các em. Khi hiểu được học sinh rồi thì những nóng giận, thắc mắc không còn nữa. “Có những chi tiết rất nhỏ nhưng nhiều khi giáo viên bỏ qua vì nghĩ mình đã hiểu, đã biết, thậm chí lại còn mang sự buồn lòng không đáng có cho các em”, cô Kim Anh nói.

Phòng tâm lí của cô Kim Anh không chỉ tìm hiểu những “ca có vấn đề về tâm lí” mà còn cả những học sinh hay vi phạm kỉ luật. Có lần cô mời một học sinh đi muộn liên tục hơn 10 buổi để trao đổi. Em học sinh thẳng thắn trả lời nhà ở tầng 27, chung cư có 2 thang máy nên dậy sớm hay muộn thì vẫn đến trường không đúng giờ. Tình huống dở khóc dở cười này nằm ngoài suy đoán ban đầu của cô. Sau đó cô Kim Anh tìm đến phụ huynh để cùng hỗ trợ con đến lớp đúng giờ quy định.

Nhưng chuyện phối hợp với phụ huynh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi. Có phụ huynh khi được trao đổi con không giao tiếp với bạn bè trong lớp liền phản hồi: tại sao cô không mời 10 bạn học cùng nói chuyện, một vài bạn không hợp nhưng cả lớp thể nào cũng có bạn hợp. Bạn trong lớp không được thì bạn lớp khác... Với những phụ huynh này, cô Kim Anh biết cần phải kiên nhẫn hơn.

“Khi chính gia đình còn đổ lỗi cho xung quanh thì con sẽ không hiểu cần sửa kĩ năng giao tiếp của bản thân mình. Bởi kết bạn là một mối quan hệ xã hội tự nguyện từ hai phía, không phải là diễn kịch hay đóng phim mà có thể ghép người này với người kia. Nhưng để phụ huynh hiểu được rất mất thời gian và không phải lúc nào cũng thành công”, cô Kim Anh chia sẻ thêm.

Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 1: Khi những đứa trẻ bất trị
Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 1: Khi những đứa trẻ bất trị