Thị trường thiết bị lọc nước còn nhiều dư địa

Admin

Nước sạch, nhu cầu thiết yếu của mọi gia đình Việt Nam, đang trở thành bài toán cấp bách trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước gia tăng và hạ tầng cấp nước chưa đồng bộ. Công ty SWD là một doanh nghiệp nhỏ nhưng đã từng bước khẳng định vị thế với các giải pháp lọc nước tiên tiến, phù hợp đặc thù Việt Nam...

Trao đổi với VnEconomy, ông Đặng Quang Hưng, Giám đốc Kỹ thuật SWD, nhận định không chỉ một bộ phân dân cư tại các đô thị lớn thường xuyên gặp vấn đề với nguồn nước, ở vùng nông thôn, người dân cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước ngầm hoặc bề mặt. 

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam, với 60% nước mặt và 30% nước ngầm bị ảnh hưởng, đang tạo ra mối quan ngại lớn cho người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Là một doanh nghiệp chuyên về thiết bị lọc nước, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Vấn đề lớn nhất là tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Ví dụ khu vực Hà Đông tại Hà Nội, dân cư tăng quá nhanh trong 10 năm qua, số chung cư mọc lên rất nhiều, nhưng hạ tầng cấp nước không đủ đáp ứng. Hà Đông vốn là cuối mạch của đường cấp nước, nhưng nước cấp ở đây còn kém và thiếu. Để bù lại phần thiếu đó, một số nhà máy lọc nước trực tiếp tại khu vực được xây dựng, như sử dụng nước giếng để cung cấp cho người dân, nhưng hạ tầng cung cấp không đồng bộ, dẫn tới nguồn nước cấp cho dân không ổn định, thường có màu và mùi.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là hạ tầng cấp nước ở Việt Nam theo phương án cũ. Ngày trước, khi cuộc sống còn thiếu thốn, chúng ta thường có bể ngầm hoặc bể trên mái. Bây giờ, các chung cư cũng vậy, đều có bể ngầm và bể trên mái. Qua thời gian lăn lộn trong ngành, chúng tôi phát hiện phần lớn nguyên nhân gây màu và mùi phát sinh từ việc nước lưu cữu trong các bể này. Nước được cấp vào, lưu lại, không được hút hết, không được thau rửa thường xuyên, hoặc dù có thau rửa thì cũng không sạch hoàn toàn, vì hạ tầng quá lớn, màu và mùi phát sinh rất nhiều.

Với SWD, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã phát triển các thiết bị phù hợp để giải quyết những vấn đề này. Ví dụ, chúng tôi đưa ra dòng lọc tổng cho một căn hộ chung cư. Thông thường, mọi người nghĩ rằng để lọc nước cho một chung cư, cần phải lọc cho cả tòa. Nhưng chung cư đâu có nhiều diện tích, đến chỗ đỗ xe còn không đủ thì làm sao bố trí hệ thống lọc tổng cho cả tòa nhà được?

Ông Đặng Quang Hưng, Giám đốc Kỹ thuật SWD (trái) trao đổi cùng VnEconomy  Ông Đặng Quang Hưng, Giám đốc Kỹ thuật SWD (trái) trao đổi cùng VnEconomy 

Nếu có đầu tư thì cũng thiếu thốn, không đầy đủ, không đạt công suất lọc cần thiết, dẫn tới hệ thống bị quá tải và không giải quyết được vấn đề. Giải pháp của SWD là thay vì xử lý tập trung tại một vị trí, chúng tôi chia nhỏ vấn đề, xử lý trên từng căn hộ. Từ khi áp dụng giải pháp này, mọi vấn đề đã được giải quyết.

Các nước phát triển giải quyết vấn đề nước sạch phục vụ nhu cầu tổng thể như ăn uống, tắm giặt như thế nào để đạt hệ thống nước đảm bảo nhất?

Tôi có thời gian sống và làm việc ở Singapore. Hạ tầng cấp nước ở đây rất tiên tiến: thứ nhất, nước được cấp trực tiếp từ nhà máy đến từng vòi trong dân, không qua bể chứa; thứ hai, nguồn nước ở Singapore được quản lý bởi một hệ thống độc lập tên là PUB – một đơn vị vừa cung cấp, vừa quản lý, vừa kiểm nghiệm chất lượng nước. Ở Việt Nam, nước từ nhà máy không đến được đầu vòi từng căn hộ mà phải qua bể chứa, khiến chất lượng nước đã thay đổi.

Hiện nay thị trường thiết bị lọc nước nhiều đến “chóng mặt”. Tại Việt Nam có hơn 400 thương hiệu máy lọc nước, theo thống kê của VCCI năm 2023, bao gồm các tên tuổi lớn như Karofi, Kangaroo, và AO Smith. Một doanh nghiệp nhỏ như SWD xác định lợi thế cạnh tranh của mình là gì để nổi bật trong phân khúc thiết bị lọc nước chất lượng cao, đặc biệt là tại các khu đô thị và chung cư?

Thay vì nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài hoặc sản xuất các sản phẩm tương tự các thương hiệu nước ngoài, Công ty SWD nghiên cứu đặc điểm của khách hàng tại thị trường Việt Nam, sau đó tự phát triển các sản phẩm phù hợp với các đặc điểm này.

Có những sản phẩm được nhập khẩu chính hãng từ các nước phát triển trên thế giới, với giá thành rất rất cao, nhưng lại không thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam, bởi vì tiêu chuẩn nước đầu vào của họ tốt hơn chúng ta rất nhiều, khi sử dụng thì tuổi thọ bị giảm nhanh chóng hoặc không có tác dụng.

Với phân khúc các chung cư, chúng tôi có sản phẩm máy lọc nước kích thước máy nhỏ gọn, lắp ngay trước khi vào một căn hộ, lọc nước đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Đây là một giải pháp bảo vệ tối ưu cho từng gia đình, không phụ thuộc vào hệ thống lọc tổng của toàn bộ chung cư.

Với phân khúc cao cấp, chúng tôi có những hệ thống lọc nước với kích thước bằng một chiếc tủ lạnh 180l thông thường. Xử lý nước cho toàn bộ tòa nhà, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của nước có thể uống được ngay, giống như tại các nước phát triển trên thế giới. Sau khi khi lắp đặt thiết bị lọc nước cho khách hàng, chúng tôi lấy mẫu nước sau lọc đem xét nghiệm tại cơ quan nhà nước.

Hiện tại, chúng tôi phối hợp với hai cơ quan chính: Viện Hóa học – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam. Ở miền Nam chúng tôi phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest3) và một số đơn vị nhỏ khác, nhưng bắt buộc phải là cơ quan xét nghiệm độc lập.

Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước sạch tại Việt Nam?

Cơ hội thực sự rất lớn, vì Việt Nam phát triển nhanh, nhưng hạ tầng cấp nước khó theo kịp. Nhu cầu về hệ thống lọc nước còn rất lớn, dư địa rộng mở. Việt Nam đang hướng đến xã hội phát triển năm 2050, điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn. Chất lượng nước phải theo kịp xu hướng này.

Ở các nước phát triển như Nhật Bản hay Singapore, uống nước tại vòi là bình thường, nhưng ở Việt Nam, người dân vẫn nghĩ nước sinh hoạt không sạch, phải lọc hoặc đun sôi. Với SWD, tiêu chí là nước sinh hoạt phải uống được trực tiếp tại vòi, để nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân. Khi có hệ thống nước sạch tại nhà, tại cơ quan đã đảm bảo sẽ kích thích việc sử dụng nước tại chỗ, giảm sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa nói chung.

Không chỉ tại thành thị, nhu cầu nước sạch ở nông thôn cũng rất lớn. Chiến lược của SWD để mở rộng thị trường này là gì?

Ở nông thôn, người dân vẫn dùng nước mưa, nước giếng, nhưng giờ không còn sạch do ô nhiễm. SWD nhận yêu cầu xử lý nước giếng, nước từ sông, hồ. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là giá thành sản phẩm, do chúng tôi dùng linh kiện chất lượng cao, khiến chi phí đầu tư ban đầu khá lớn.

Chúng tôi mong muốn khi thị trường mở rộng, có nhiều khách hàng hơn, sản lượng tăng sẽ giúp giảm giá thành. Chúng tôi nghiên cứu hàng ngày để tìm nguyên liệu đầu vào mới, giảm chi phí. Đây là điều rất đau đáu với chúng tôi, vì SWD không chỉ là doanh nghiệp kiếm tiền, mà còn có trách nhiệm xã hội, cung cấp nguồn nước tốt cho người dân Việt Nam.

Kế hoạch truyền thông của SWD để tiếp cận người dân rộng rãi hơn là gì, thưa ông?

Đây là câu hỏi khó với một người thuần kỹ thuật như tôi. Nhưng chúng tôi tin rằng một sản phẩm tốt sẽ có tương lai. SWD đã tồn tại 7 năm, vượt qua cột mốc 3-5 năm khó khăn nhất của doanh nghiệp. Truyền thông chưa phải thế mạnh, nhưng chúng tôi bắt đầu nhen nhóm, tập trung lan tỏa các chương trình thiện nguyện. Ví dụ, chương trình cứu trợ miền Trung năm 2020 được đón nhận rất tốt.

Trong tương lai, ngoài nội lực dành kinh phí cho truyền thông, chúng tôi mong các cơ quan truyền thông nhìn nhận SWD là sản phẩm Việt Nam thực sự tốt, hỗ trợ quảng bá để người dân tiếp cận nhiều hơn.

SWD mong muốn nhận được những cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào để phát triển tốt hơn?

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ tốt. Hai năm đầu thành lập, chúng tôi được hỗ trợ về thuế. Ngoài hỗ trợ thuế, doanh nghiệp được đào tạo miễn phí về kinh doanh, quản trị tài chính, nhân sự, đặc biệt tại Hà Nội. SWD tận dụng mọi cơ hội học tập và nhận được hỗ trợ rất tốt từ Nhà nước. Dù vậy, nội lực doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng. Nội lực của chúng tôi là kỹ thuật, nghiên cứu phát triển công nghệ mới, đầu tư phòng thí nghiệm riêng. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại phụ thuộc vào chính mình. Sau 7 năm, chúng tôi thấy chính sách Nhà nước rất tốt.

Chúng tôi mong xã hội và người dân đón nhận sản phẩm “made in Vietnam” nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam giờ đã cải thiện rất nhiều về kỹ thuật, đưa sản phẩm ra nước ngoài, nên rất mong người dân ủng hộ, tin vào sản phẩm khoa học, kỹ thuật do doanh nghiệp Việt làm ra.