Thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài

Admin

TP - Thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) chất lượng cao, đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài sẽ trở thành một nguồn lực to lớn giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng thế giới, vươn tới những đỉnh cao KHCN.

Ưu tiên lĩnh vực AI

Là nhà khoa học thành danh ở Thung lũng Silicon với 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Google DeepMind, TS Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI, quyết định trở về nước, dẫn dắt và phát triển Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (VinAI). Chỉ trong vòng 3 năm, VinAI đã góp phần nâng tầm năng lực KHCN quốc gia khi lọt vào Top 20 công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, đồng thời là đại diện duy nhất đến từ Đông Nam Á. Công ty sở hữu 180 công trình nghiên cứu được công nhận tại các hội nghị khoa học danh giá nhất, nổi tiếng nhất thế giới, tập trung giải quyết những bài toán phức tạp nhưng mang tính ứng dụng cao, như học sâu, AI tạo sinh, mô hình ngôn ngữ lớn, tạo ảnh tức thì từ văn bản…

Thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài ảnh 1

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: Nghĩa Đức

TS Hưng chia sẻ, là một Việt kiều, ông mong muốn mang trải nghiệm tích lũy từ quá trình làm việc ở nước ngoài để thực hiện sứ mệnh mang lá cờ Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ AI toàn cầu. “Tôi muốn nhấn mạnh đến việc đặt mục tiêu nghiên cứu ở mức độ đỉnh cao, có nghĩa là chất lượng các đề tài thể hiện ở chất lượng của các hội thảo được các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá và công nhận. Trước khi VinAI được thành lập, việc này chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Với thành tựu của VinAI, có thể tự tin và tự hào rằng chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu đỉnh cao về AI ngay tại Việt Nam”, TS Hưng nói.

Người đứng đầu VinAI rất đồng tình với quan điểm phải thu hút, mở rộng hợp tác với đội ngũ trí thức Việt Nam tại nước ngoài. Ông chia sẻ, VinAI đã và đang không ngừng cải tiến quy trình tuyển dụng và chính sách đãi ngộ, qua đó thu hút nhân tài quốc tế, đặc biệt là những chuyên gia gốc Việt trở về quê hương.

Thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài ảnh 2

TS Bùi Hải Hưng (người đứng) cùng các nhà khoa học trẻ của VinAI.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, VinAI tập trung xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm giúp chuyên gia trẻ tiếp tục tiếp cận nhanh chóng với xu hướng công nghệ tiên tiến nhất. “Chúng tôi tự hào khi đã mời gọi được nhiều chuyên gia từ các trung tâm công nghệ lớn như Thung lũng Silicon, Mỹ, Úc, châu Âu quay về Việt Nam. Đồng thời, VinAI luôn khuyến khích tài năng trẻ sau khi hoàn tất học tập, nghiên cứu tại nước ngoài sẽ trở về đóng góp trí tuệ và sức sáng tạo cho đất nước”, TS Hưng nói.

Ông bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc nghiên cứu, đào tạo nhân tài AI. “Trong tương lai, việc chú trọng cả chất lượng lẫn số lượng của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước là chìa khóa để tạo dựng nguồn nhân lực tinh hoa, bồi đắp cho “nguyên khí quốc gia,” sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới - thời khắc mà dân tộc ta đang vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, nhà khoa học nhận định.

Mô hình tổng công trình sư

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, Việt Nam đang đứng trước giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng với các dự án rất lớn, đòi hỏi hàm lượng KHCN rất cao như dự án nhà máy điện hạt nhân, cao tốc Bắc - Nam, vi mạch bán dẫn... Vì vậy, cần áp dụng mô hình tổng công trình sư. Đây là người đứng đầu một tập thể KHCN mạnh, có uy tín, trình độ, được giao quyền để tập hợp, điều động nhà khoa học trong và ngoài nước. Có như vậy, Việt Nam mới có hy vọng làm chủ công nghệ, từng bước sáng tạo công nghệ Việt Nam và làm được dự án rất lớn về công nghệ, nền KHCN Việt Nam mới có vị trí trong hệ thống KHCN thế giới. Đây cũng là thông lệ được các nước phát triển áp dụng nhiều năm nay.

Tạo làn sóng người tài quay về

Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học như Nghị định 40 năm 2014 Quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định 87 năm 2014 Quy định về thu hút cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các chính sách này chưa được triển khai mạnh mẽ trong thực tế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu, nguồn nhân lực KHCN, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, nhất là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng, công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam cũng chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên, khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài sẽ là một nguồn lực vô cùng to lớn. “Người chung một dòng máu mà là người tài thì không cần nhiều chế độ đãi ngộ mà cần được giao việc khó, việc thách thức trong một môi trường chuẩn mực quốc tế, nơi giá trị quan trọng nhất là kết quả và chất lượng công việc”, ông nhận định.

PGS Tùng cho rằng, người tài về thành công sẽ kéo theo nhiều người tài nữa, hình thành làn sóng người tài quay về phát triển đất nước vì không có gì hạnh phúc bằng nhìn thấy thành quả công việc của mình ngày ngày tạo ra những tác động tích cực, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào của mình.

Để thu hút các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là nhà khoa học Việt kiều, PGS Tùng đề xuất, Nhà nước xây dựng các chương trình tài trợ để các cơ sở giáo dục đại học có tiêu chí tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế tài năng, trong đó ưu tiên đội ngũ người Việt ở nước ngoài. Việc này có thể thực hiện thông qua tài trợ, vận hành, xây dựng các chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định và hướng dẫn chi tiết về tuyển dụng cũng như các tiêu chí để xác định mức lương với các nhà khoa học quốc tế. Ngoài ra, cho phép các đại học trọng điểm có thể thí điểm xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. “Thật khó để một nhà khoa học đã thành danh ở nước ngoài với vị trí GS, PGS nhưng khi về nước vẫn phải trải qua quy trình thẩm định của Việt Nam theo các đợt xét duyệt để được công nhận”, PGS Tùng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KHCN trong năm 2025 và những năm tới là phát triển mạnh nhân lực KHCN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, các nút thắt về thu hút và đãi ngộ nhân tài KHCN cần được điều chỉnh, sửa đổi một cách hiệu quả, thiết thực ngay trong Dự thảo Luật KHCN đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến.

Nghị quyết số 03/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW nêu nhiệm vụ sẽ xây dựng mạng lưới giảng viên, nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học quốc tế theo các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.

Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh
Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh