Tiết học xanh đặc biệt này kéo dài ba năm qua, lặng lẽ gieo mầm ý thức môi trường, tinh thần kỷ luật và tình yêu quê hương từ những điều giản dị nhất.
Trăn trở trước biển
5 giờ sáng mỗi Chủ nhật, khi mặt trời bắt đầu lấp ló trên đường chân trời của biển Đại Lãnh (nay thuộc xã Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hòa), một trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, cũng là lúc những đứa trẻ nơi đây bắt đầu tiết học xanh. Đó là hành trình nhỏ nhưng đầy ý nghĩa với mục tiêu vừa bảo vệ môi trường, vừa rèn luyện kỷ luật và lan tỏa tình yêu thiên nhiên ở tuổi thơ.
![]() |
Nhóm “Môi trường xanh Đại Lãnh” tổ chức nhặt rác, làm sạch biển từ 5h sáng Chủ nhật hằng tuần |
Xuất phát từ tình yêu mãnh liệt dành cho mảnh đất ven biển quê hương, thầy Nguyễn Thanh Phong, giáo viên Trường Tiểu học Đại Lãnh (nay thuộc xã Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hòa), luôn chạnh lòng khi chứng kiến cảnh biển quê hương bị rác thải phủ kín sau những cơn mưa lớn.
![]() |
Mỗi sáng chạy bộ, tắm biển, thầy lại thấy rác sinh hoạt, thức ăn thừa của các lồng bè tấp vào, phá hỏng vẻ đẹp trong xanh của vùng biển. Không chỉ lo cảnh quan, thầy còn nghĩ đến việc người dân không có không gian tập thể dục, các em học sinh không có bãi biển sạch để chơi. Từ đó, nhóm “Môi trường xanh Đại Lãnh” ra đời (ngày 25/9/2022) để đi nhặt rác, làm sạch biển.
“Sự thay đổi từ khi tham gia nhóm rất rõ rệt, các em học sinh biết bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế dùng túi nilon, tái chế rác thành đồ dùng học tập. Có em về nhắc nhở cả gia đình sống xanh, tiết kiệm điện, không vứt rác bừa bãi. Nhiều em còn học được tinhthần trách nhiệm, biết tôn trọng giờ giấc, biết gắn bó với tập thể”.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Phong, Trường Tiểu học Đại Lãnh (Khánh Hòa)
Ban đầu, thầy chỉ rủ vài học sinh tiểu học, tận dụng sáng thứ Bảy vì các em không phải đi học. Sau đó, hoạt động chuyển sang sáng Chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ 5 giờ sáng, bởi mặt trời ở Đại Lãnh mọc rất sớm, chỉ hơn 6 giờ là nắng đã gắt. Theo thầy Phong, khung giờ sớm này giúp các em dậy sớm, rèn thói quen kỷ luật, đồng thời hoàn thành hoạt động trước khi trời oi bức.
“Hành động nhỏ dần lớn lên thành một phong trào có tổ chức, có kỷ luật, có sự tham gia của học sinh mẫu giáo, tiểu học và THCS. Không khí giờ học xanh lan dần từ một nhóm nhỏ thành một cộng đồng gắn bó”, thầy Phong chia sẻ.
Theo đó, các em học sinh thực hành lối sống xanh như nhặt rác, dọn vệ sinh công cộng, trồng cây xanh, tắt thiết bị điện không cần thiết để tiết kiệm năng lượng. Nhóm còn tổ chức hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất bằng cách tắt điện, chơi cờ vua, đọc sách, thi tìm hiểu kiến thức môi trường…
Thực hành sống xanh
Sự thay đổi từ khi tham gia nhóm rất rõ rệt, các em học sinh biết bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế dùng túi nilon, tái chế rác thành đồ dùng học tập. Có em về nhắc nhở cả gia đình sống xanh, tiết kiệm điện, không vứt rác bừa bãi.
“Nhiều em còn học được tinh thần trách nhiệm, biết tôn trọng giờ giấc, biết gắn bó với tập thể. Các em chủ động về sớm sau khi đi chơi để kịp tham gia tình nguyện, sinh hoạt nhóm, thậm chí đang trong mùa thi cũng tự sắp xếp thời gian nếu đã học xong”, thầy Phong nói.
Thầy kể, thường ngày, mỗi sáng đánh thức con dậy đi học là một “cuộc chiến” nhẹ, phụ huynh phải gọi vài ba lần, dỗ ngọt có, cau mày có, thậm chí có hôm trẻ lăn qua lăn lại trên giường, mắt nhắm mắt mở, nài nỉ thêm năm phút nữa. Thế nhưng vào sáng Chủ nhật, khi ba mẹ vừa cất tiếng gọi “Con ơi, dậy đi nhặt rác với nhóm” thì ánh đèn ngủ còn chưa tắt, các em đã bật dậy nhanh như một phản xạ. Không ai bắt ép, cũng không có điểm danh, thưởng phạt gì, nhưng bọn trẻ hành động đều đặn, tự giác và đầy háo hức.
Đặc biệt, hình ảnh những đứa trẻ cần mẫn nhặt rác khiến cả khách du lịch và người dân địa phương cảm động. Nhiều người tự nguyện tham gia cùng, nhất là những hôm rác nhiều. “Có hôm trời đổ mưa lớn, cả nhóm ướt như chuột lột vì không kịp chạy vào trú, vậy mà vẫn cười rạng rỡ, vui như được tắm mưa cùng đồng đội. Có em bé hơn 2 tuổi, thấy chị đi dọn rác cũng lon ton theo sau, sợ không được tham gia nên bật khóc nức nở…”, thầy Phong kể.
Duy trì đều đặn suốt ba năm qua, nhóm “Môi trường xanh Đại Lãnh” không gặp nhiều trở ngại bởi luôn nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh. Các dụng cụ lao động phần lớn do phụ huynh hỗ trợ tự làm hoặc mua. Mỗi lần nhóm có hoạt động mới, phụ huynh lại góp công, góp sức. Vào mùa thi, các em được khuyến khích nghỉ để học, nhưng nếu học xong vẫn được phép tham gia.
Ngoài bãi biển chính, nhóm còn mở rộng hoạt động dọc bờ kè, khu du lịch vào dịp Tết. Theo thầy Phong, nhóm cũng mong mỏi có kinh phí để nhân rộng mô hình này đến các bãi biển khác. Tuy nhiên, vì hoạt động hoàn toàn tự nguyện, không có quỹ riêng, việc mở rộng địa bàn hiện rất khó khăn.
“Chúng tôi mong mỗi xã, mỗi trường sẽ có một nhóm sống xanh làm sạch biển như các em. Và thay vì phải nghĩ mùa hè cho con làm gì, chơi gì, ở đâu, tôi cho rằng, các em có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng như vậy để xây dựng ý thức từ những việc nhỏ bé để luôn có trách nhiệm với thiên nhiên và Trái đất”, thầy giáo trẻ nói.



