Ai mới gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thật khó tin năm 2025 này ông cụ ấy đã tròn 105 tuổi trời, cái tuổi không chỉ xưa nay hiếm mà phải nói chính xác là cực kỳ hiếm.
Mục lục
105 tuổi, ông Nguyễn Đình Tư vẫn ngồi viết sách 3 ca trên máy tính đến tận nửa đêm - Ảnh: QUỐC VIỆT
Nhưng điều càng ý nghĩa hơn nữa là ông cụ cao niên ấy vẫn đang ngày ngày ngồi máy tính 3 ca đến tận nửa đêm để viết sách sử giá trị.
Sáng sáng, ông vẫn vui vẻ tập thể dục bằng cách tự leo 10 lượt cầu thang 3 tầng lầu, rồi coi thời sự trên tivi mà không cần đeo kính và cũng chẳng phải nhờ con cháu giúp sinh hoạt gì. Thỉnh thoảng, TP.HCM có các lễ hội, sự kiện lịch sử gì, ông cụ lại tham gia với nụ cười rạng rỡ lan tỏa niềm vui…
Cuộc đời giản dị đáng kính
Cụ ông
Tác giả và ông Nguyễn Đình Tư ở nhà riêng của ông năm 2025 - Ảnh: N.D.K.
Còn nhớ lần đầu ghé thăm ông Tư ở con hẻm nhỏ trong đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM), tôi bị lạc đường. Căn nhà gạch không được hoàn thiện, cũ kỹ, nằm cuối hẻm lại bị che khuất bởi những mồ mả xưa cũ um tùm cây cối.
Tuy nhiên nghe tôi hỏi tìm ông Tư, ai cũng biết. "Ồ, ông Tư đó hả? Ông cụ mấy lần thấy nhận giải thưởng sách trên tivi đó hả? Để tui dẫn anh vô trỏng", một phụ nữ đứng tuổi nhiệt tình. Vừa tới trước cửa nhà, bà đã ơi ới: "Ông Tư ơi ông Tư. Có khách kìa".
Chủ tịch Phan Văn Mãi đến thăm nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình TưGiải thưởng Sách quốc gia sẽ lần thứ 2 trao giải cho nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư
Chưa dứt tiếng gọi, tôi đã thấy ông cụ tóc bạc, da đồi mồi thò đầu ra ban công gác: "Cậu đợi chút xíu nhé. Tôi xuống liền". Chỉ vài phút sau, ông đã nhanh nhẹn mở cửa với giọng sang sảng: "Cậu tìm nhà khó không?".
Thật sự, tôi bất ngờ với ông cụ sinh năm 1920 mà vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn đến thế. Dẫn tôi lên gác, ông đi phăm phăm và còn dặn dò: "Cậu cẩn thận nhe. Cầu thang tạm, dễ trượt chân".
Đó là lần đầu tôi được hầu chuyện "ông già Sài Gòn" cách đây khoảng 5 năm. Sau này tôi còn nhiều lần gặp ông mà hầu hết đều trong những hoàn cảnh na ná như thế, luôn tràn ngập nụ cười của bậc cao niên vẫn tinh anh, lạc quan sống.
Lúc nào ông Tư cũng cười rạng rỡ, tinh anh dù đã 105 tuổi - Ảnh: QUỐC VIỆT
Ông Tư thường trên gác, đọc sách hoặc lộc cộc gõ máy đánh chữ và mãi sau này ông mới tập đánh máy vi tính khi đã tròn 100 tuổi ở năm 2020.
Thư phòng làm việc ông đã viết ra bao đầu sách quý cũng thiệt giản đơn, thậm chí sơ sài, thiếu thốn. Mọi thứ đều cũ, rất cũ, từ cái tủ sách đến bàn nước, giường ngủ đều bạc màu thời gian.
TIN LIÊN QUAN
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư
Chỉ tôi xem những cuốn sách bạc màu thời gian trong tủ gỗ cũng đã nứt nẻ, phai mờ nước sơn, ông cụ cả đời cầm bút này tâm sự một bước ngoặt nữa lại đến với mình khi ông viết sách Đường phố Sài Gòn.
Cuốn sách không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu đô thị này, tôi chưa kịp hỏi chuyện ông đã nói ngay: "Cũng có một số người hỏi tôi "cơ duyên" nào lại viết cuốn sách quá tỉ mỉ, mất nhiều thời gian này.
Tôi trả lời chắc là do hồi trước mình làm ngành điền địa nên quan tâm chuyện đường, chuyện phố, thế thôi".
Ông Tư lại cười nheo nheo cặp mắt hiền từ, tinh anh nhưng tôi hiểu cái "thế thôi" nhẹ như gió thoảng mà không hề đơn giản. Sách Đường phố Sài Gòn - TPHCM của ông đâu phải tạp văn trôi theo cảm xúc, mà nó có đầu có đuôi, có chiều dài có chiều rộng, có mốc điểm lịch sử chính xác, có "ông Nguyễn Huệ gặp ông Lê Lợi" ở đoạn đường nào.
Chỉ cần đọc lướt qua cũng thấy mồ hôi thực địa của ông đẫm trong cuốn sách này.
"Hồi đó, tôi có chiếc xe đạp mini cũ, cứ thế mà đạp thôi. Muốn viết đường nào thì phải đạp đến đường đó. Mà đâu phải chỉ một lần, nhiều đường tôi phải đạp đến mấy lần, loanh quanh ngày này qua ngày nọ mới hỏi chuyện, mới đo đạc được chính xác".
Ông nói cũng may mình làm điền địa nên có kinh nghiệm viết sách này. Điều kiện hồi đó đâu cho ông được ghé cơm hàng cơm quán. "Mỗi sáng, tôi đạp xe đi thực địa đều gói theo nắm cơm hoặc ổ bánh mì, chai nước. Vậy mà xe mòn nhưng người không mòn", ông cụ lại cười nheo mắt.
Các lần vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, tôi cũng nghe họ kể về ông: "Ông cụ thiệt hiền lành, mải mê đọc tài liệu từ sáng đến chiều, chỉ ăn cơm nắm hay bánh mì mang theo, thỉnh thoảng mới thấy ông ăn cơm hộp bình dân".
Đó là họ nói về thời gian ông tìm tư liệu viết những bộ sách giá trị khảo cứu Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020). Sự thông thạo tiếng Pháp của ông là một lợi thế rất lớn khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử đã qua.
Ở đời này, ai cũng hiểu hầu hết văn nghiệp vốn dĩ nghèo. Thân thiết ông Tư, tôi càng trân quý khi hiểu rõ ông đam mê viết mà không màng chuyện tiền bạc, lợi danh.
Vui cùng sự phát triển của đất nước
Nhiều lần leo cầu thang, trở lại phòng viết của "ông già Sài Gòn", tôi có buột miệng hỏi: "Viết mãi, thế có khi nào ông chán viết không?". Ông chỉ cười nheo mắt, không thèm trả lời câu hỏi vô duyên của kẻ hậu sinh.
Nhưng mới hôm qua, nghe con trai ông bảo: "Cha tôi hồi đêm vẫn đánh máy chữ đến tận 1h sáng. Tôi kêu đi ngủ, ông vẫn không chịu".
Ông Nguyễn Đình Tư trong một hoạt động ở Đường sách TP.HCM
Gần đây, khi được lãnh đạo TP.HCM đến chúc Tết và chúc thượng thọ, ông Tư tâm sự mình rất vui và hạnh phúc. "Cuộc đời hơn trăm năm, tôi là chứng nhân của dân tộc phải trải qua giai đoạn thực dân lầm than rồi chiến tranh chết chóc, đói nghèo, ly loạn. Cho nên giờ tôi rất vui vì đất nước mình đã đổi thay, phát triển.
Thời chúng tôi còn nhỏ được đi học là vô cùng hiếm, nhưng tất cả các cháu bây giờ đều được vui vẻ đến trường. Thời chúng tôi lớn lên bữa đói nhiều hơn no với rau sắn lót lòng qua ngày, còn nay chén cơm của nhà nhà đã vun đầy, trắng ngon. Nhưng quan trọng hơn hết là tôi đã trải qua chiến tranh đau khổ, nên thấu cảm rất rõ niềm hạnh phúc của dân tộc đang được sống trong thanh bình, yên lành".
Tâm sự với tôi, ông cụ 105 tuổi luôn vui cười, nụ cười của sự hạnh phúc, viên mãn trong gia đình "ngũ đại đồng đường. Ông có tất cả 5 người con trai, một con gái, còn cháu chắt thì đã đến đời thứ 5 và sắp sửa đến đời thứ 6 biết khoanh tay líu lo chào ông…
Chào tạm biệt ông trong tiết trời tươi sáng cuối xuân, tôi cất lời: "Con xin chúc ông sống khỏe mạnh, vui vẻ đến tuổi 120 nhé".
Ông cụ bật cười hóm hỉnh và ý nghĩa: "Nếu được sống 15 năm nữa thì tôi sẽ viết 15 cuốn sách nữa đấy".
Bí quyết sống vui khỏe và vẫn viết sách của cụ ông 105 tuổi
Khi được hỏi bí quyết nào để có thể sống vui, sống khỏe và đặc biệt là vẫn viết được sách ở tuổi trời xưa nay hiếm vậy, ông Tư cười thanh thản tâm sự: "Tôi nghĩ chắc là do mình giữ được tâm an yên, cả đời thanh thản, chỉ biết cười, không thù ghét, oán trách ai.
Nhiều biến cố xảy ra nhưng tôi vẫn lạc quan, vui vẻ vì luôn có niềm tin mọi sự sẽ tươi sáng hơn như đất nước, đồng bào mình qua thời chiến tranh, đói kém đã đến thời no ấm, phát triển tốt đẹp rồi"…
Tâm sự thêm, ông kể bản thân ăn uống giản dị, điều độ, tập thể dục thường xuyên. Nhưng ông lại cười nói rằng điều này có lẽ chỉ là một yếu tố thôi, chứ không phải tất cả, vì nhiều người thực hiện rất kỹ lưỡng nhưng cũng đâu thể trường thọ.
"Tôi nghĩ quan trọng nhất là cái tâm thiện lành, an vui và có mục đích sống", ông cụ tuổi 105 cười hóm hỉnh trả lời khi tôi chúc ông thọ đến tuổi trời 120.
Được nhiều giải thưởng, vinh danh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 ở Nghi Lộc, Nghệ An, có bút nghiệp đáng kính nể gồm hàng chục tác phẩm từ tiểu thuyết lịch sử đến nghiên cứu lịch sử, địa chí như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954), Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954), Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)…
Ông hai lần đoạt giải cao nhất Giải sách quốc gia: lần thứ nhất năm 2018, ông được trao giải A cho bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954).
Lần thứ hai năm 2024, ông đoạt giải A năm 2024 bộ sách 2 tập Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020). Ở tuổi 104, ông vẫn vui khỏe đi xe lửa ra Hà Nội nhận giải, để ngắm cảnh non sông đất nước.
Đại sứ Văn hóa đọc Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Lương Thùy Linh lên tranh
Họa sĩ Lê Sa Long vẽ bộ tranh chân dung Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hoa hậu Lương Thùy Linh...
Mới đây, F88 xuất sắc được vinh danh Giải thưởng HR Excellence 2025 hạng mục “Employee Engagement – Gắn kết nhân viên”, minh chứng cho chiến lược nhân sự hiệu quả và môi trường làm việc đầy cảm hứng.
TPO - Trước việc 2 gia đình đều khẳng định mình là chủ sở hữu một con bò, TAND huyện Tương Dương (Nghệ An) đã quyết định lấy mẫu ADN đi giám định để phân xử quyền sở hữu.
Ngày 22-4, hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu đã trao tặng 500.000 liều vắc xin sởi cho Bộ Y tế, nhằm đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn quốc.
TPO - Sử dụng thủ đoạn gọi điện cho các chủ thẻ tín dụng, đưa ra thông tin gian dối hỗ trợ chuyển đổi tín dụng thành tiền mặt, nhóm của Oanh, Hòa chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng của hơn 600 trường hợp.
TPO - Hãng dược phẩm Lilly vừa công bố kết quả hàng đầu của thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc viên mới cùng nhóm với thuốc tiêm Ozempic. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc viên thử nghiệm có thể có tác dụng tốt như thuốc tiêm trong điều trị bệnh tiểu đường.
TPO - Người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn và đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu đặt tên cho các xã, phường mới theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa.
TPO - Nhận định mới nhất cho thấy, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện mưa rải rác hai ngày đầu nghỉ lễ sau đó, trời nắng ít mưa, nhiệt độ dễ chịu. Khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng diện rộng.
TPO - Cuốn sách mới phủ nhận tin đồn thuyền trưởng Edward John Smith tự sát trước khi tàu Titanic chìm xuống đáy biển, cướp đi sinh mạng hơn 1.500 người.