Triển lãm đề cập đến các chủ đề khác nhau từ đa dạng sinh học cho đến các nguồn lực của rừng; các cách tiếp cận nghiên cứu rừng và phương pháp luận mang tính đổi mới sáng tạo; mối quan hệ mật thiết giữa con người và rừng; các chính sách và căn cứ pháp lí có liên quan đến lâm nghiệp; những hiểm họa từ cháy rừng và nạn phá rừng.
Những hiện vật thú vị mang tính tương tác cao sẽ khiến công chúng hiểu sâu hơn về những thách thức mà ngành lâm nghiệp đang gặp phải cùng nhu cầu cần có những giải pháp bền vững.
Cùng với triển lãm, hội thảo khoa học “Rừng và Biến đổi khí hậu” được tổ chức để các bên liên quan cùng thảo luận tìm ra các giải pháp cụ thể, các chính sách hợp tác về bảo vệ rừng và phát triển bền vững, tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng.
Theo GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, triển lãm là cơ hội để giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng, từ đó góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Triển lãm sẽ cung cấp kiến thức về các nghiên cứu khoa học liên quan đến rừng, sự thay đổi trong hệ sinh thái và mối quan hệ giữa rừng và khí hậu.
Bên cạnh đó, triển lãm rừng và biến đổi khí hậu sẽ là sự kiện truyền tải thông điệp về những hậu quả khôn lường của việc phá rừng, bao gồm sự gia tăng lượng khí CO₂ trong không khí, sự mất mát của đa dạng sinh học và tình trạng thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng.
Triển lãm cũng sẽ là nơi để các nhà nghiên cứu, chuyên gia môi trường và các tổ chức quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các giải pháp sáng tạo để ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn và thiên tai ngày càng nghiêm trọng. Là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, rừng ở nước ta là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái.
Rừng đóng vai trò như “lá phổi xanh” của Trái đất, hấp thụ khí CO₂ từ không khí và chuyển đổi thành oxy thông qua quá trình quang hợp. Điều này giúp giảm lượng CO₂ trong khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính và giảm tốc độ biến đổi khí hậu. Cây cối trong rừng lưu giữ một lượng lớn carbon trong sinh khối của chúng.
Khi cây chết hoặc rừng bị phá hủy, lượng carbon này sẽ được thả vào không khí dưới dạng CO₂, góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu. Bên cạnh vai trò cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng cũng rất cần thiết cho phúc lợi của nhân loại bằng cách cung cấp cho chúng ta các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Nhưng chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng trên nhiều mặt trận.
Thông qua sự kiện này, các trường đại học và viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các bên liên quan có thể thiết lập và phát triển cơ hội hợp tác nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp và biến đổi khí hậu.
Triển lãm không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn tạo không gian để các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và những người quan tâm thảo luận tìm ra các giải pháp cụ thể, các chính sách hợp tác về bảo vệ rừng và phát triển bền vững, cũng như tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng.