Từ chiếc radio cha nhặt được, cậu học trò khiếm thị giành giải nhất học sinh giỏi

Admin

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi toàn TP Đà Nẵng năm học 2024-2025 gây bất ngờ khi lần đầu tiên một học sinh khiếm thị giành giải nhất môn lịch sử.

học sinh giỏi - Ảnh 1.

Võ Thành Nhân và thầy Lê Văn Phan - Ảnh: B.D.

Không có đôi mắt sáng từ lúc sinh ra, hành trình đến với con chữ của Võ Thành Nhân - lớp 12/9 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - nhọc nhằn hơn bạn bè cùng trang lứa.

Niềm đam mê lịch sử từ chiếc đài radio

Buổi sáng đầu tuần, khuôn viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nơi Võ Thành Nhân đang học những ngày cuối cùng chương trình phổ thông chộn rộn hơn thường lệ vì sắp hè. Nhân được dẫn từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng nằm kế bên trường để qua gặp thầy giáo Lê Văn Phan - người đã truyền cảm hứng cho Nhân học tốt môn lịch sử. 

Thầy Phan là người trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng để Nhân đoạt giải nhất môn lịch sử kỳ thi học sinh giỏi Đà Nẵng vừa qua.

Sinh viên khiếm thị học cùng lúc 2 đại họcĐỌC NGAY

Thầy Lê Văn Phan - hiện công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng (kiêm bồi dưỡng học sinh đội tuyển môn lịch sử) - cho biết Võ Thành Nhân là học sinh duy nhất khiếm thị đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp TP môn lịch sử của Đà Nẵng từ trước tới nay. 

Điều đáng khâm phục hơn khi Nhân là con trai cả trong một gia đình bốn anh chị em, cha mẹ làm nông nghèo khó tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Nhân nói cha mẹ mình đều sống bằng mấy sào ruộng, nhà ở thôn An Thành 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình. Cha Nhân trước đây là thợ hầm vàng ở huyện Phước Sơn, không biết có phải vì những năm ở rừng thiêng nước độc này là nguyên do của việc khi sinh bốn đứa con thì hai người con đầu đều bị mù bẩm sinh, trong đó có Võ Thành Nhân - con cả.

Nhân cho biết vì cha mẹ quá nghèo, nhà đông anh em nên Nhân và người em kế phải lầm lụi ở nhà quanh bốn bức tường mà không được đi học như bè bạn cùng trang lứa. Để con đỡ buồn, cha Nhân một hôm đi làm thợ hồ về có nhặt được một chiếc đài radio để con bầu bạn đỡ buồn. Ở nhà, Nhân dùng chiếc đài bé bằng cục gạch này để kết nối với thế giới bên ngoài. Chiếc đài cũng là cơ duyên để Nhân đến với niềm đam mê lịch sử.

Năm Nhân lên 8 tuổi, thấy hai đứa con mù lòa hay bộc lộ nỗi buồn khi không biết chữ, không được đến trường nên cha mẹ Nhân quyết định sắp xếp nhà cửa ở quê, ôm đồ đạc nịt trên một chiếc xe máy rồi chở nhau ra TP Đà Nẵng. 

Trong câu chuyện ở quê, có ai đó mách nước cho cặp vợ chồng nghèo biết rằng người mù lòa vẫn có thể đi học, biết chữ, vẫn thành công không kém người bình thường nếu được học hành đầy đủ.

Hai anh em Nhân được cha mẹ đưa đến gặp các thầy cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Những gợi mở về tương lai hai đứa con khiến cặp vợ chồng nghèo khó như bừng tỉnh. 

Sau khi điền hồ sơ gửi hai con theo học chữ nổi, cả nhà chọn một trang trại ở cách đó không xa để vừa lấy chỗ ở. Hằng ngày mẹ Nhân phụ việc trong trang trại, mỗi sáng hai anh em Nhân ngồi sau lưng cha để tới trường rồi cha đi vào công trình làm thợ hồ.

Sau hai năm, khi hai anh em thành thạo được chữ nổi thì cha mẹ Nhân gói ghém đồ về lại quê nhà để làm lúa, Nhân và em được gửi vào ăn học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Hành trang nuôi lớn giấc mơ học hành bắt đầu từ đây.

Kỳ thi học sinh giỏi là sân chơi bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối tượng, không có sự ưu tiên nào. Học sinh bình thường cũng thi chung đề với các bạn khuyết tật. Do đó Nhân phải đặc biệt xuất sắc mới có thể đạt được kết quả đó.
Thầy Lê Văn Phan

Thành tích xuất sắc

Bà Đặng Thanh Tùng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng - cho biết trường nuôi dạy nhiều học sinh khuyết tật ở các mức độ khác nhau. Từ ngày vào trung tâm, Nhân cùng người em là hai học sinh giàu ý chí dù gia đình rất khó khăn.

Nhân học tốt từ nhỏ đến lớn, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Nhân nói mình có đam mê đặc biệt với môn lịch sử, hằng ngày cậu nghe bài giảng từ thầy cô giáo rồi tự tìm cho mình các kênh học trên Internet. Đặc biệt Nhân nói rất thích nghe bình luận về tình hình bức tranh thế giới, những phân tích này giúp cậu lý giải những sự kiện, dấu mốc quan trọng của lịch sử nhân loại.

"Mọi vấn đề đều có lý do, có lịch sử của nó. Mình thích lịch sử vì muốn biết thế hệ cha mẹ, ông bà và trước đó như thế nào. Những băn khoăn ấy như được gợi mở, trả lời hết bằng các sự kiện lịch sử", Nhân nói.

Thầy Lê Văn Phan cho biết Võ Thành Nhân là học sinh xuất sắc của mình, quá trình bồi dưỡng thầy phát hiện ra năng khiếu đặc biệt ở Nhân và quyết định "gọi" Nhân trong nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tham gia kỳ thi học sinh giỏi Đà Nẵng vừa qua.

Đánh giá của thầy Nhân đã rất chính xác khi Nhân đạt điểm số 8,2 trong tổng 311 thí sinh môn lịch sử toàn Đà Nẵng, trong số này có rất nhiều học sinh đến từ các trường có tên tuổi. Không chỉ là học sinh khiếm thị duy nhất từ trước tới nay đạt giải nhất học sinh giỏi môn lịch sử, Nhân cũng nằm trong tốp đầu của các giải nhất toàn TP Đà Nẵng.

Nhân cho biết sau khi học hết lớp 12 cậu sẽ đăng ký vào trường nghệ thuật để theo đuổi giấc mơ làm nhạc công.

Mơ thành nhạc công

Ngoài học kiến thức, Nhân rất chịu khó theo đuổi các môn âm nhạc. Thỉnh thoảng cậu hay tâm sự với cô thầy rằng với đôi mắt không nhìn thấy của mình cậu muốn dùng đôi bàn tay và cảm xúc để theo đuổi âm nhạc, sau này có thể làm một nhạc công để tự lo cho cuộc sống của mình.

Khiếm thị vẫn giành giải nhất học sinh giỏi - Ảnh 2.Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng 'đặc cách' đưa sinh viên khiếm thị và bà ngoại vào ký túc xá ở

Sau bài viết 'Ngoại 87 tuổi làm đôi mắt đưa cháu đến giảng đường', Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng đã bố trí một phòng riêng, 'đặc cách' để hai bà cháu có thể nấu ăn trong ký túc xá.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề