Còn tình trạng mâu thuẫn trong điều hành, quản lý
Chiều 11/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?".
Theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tự chủ giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua đã thành một động lực để thúc đẩy phát triển, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dường như trong 10 năm trở lại đây, tốc độ đi "hơi chậm" so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, cũng như của xã hội.
![]() |
PGS.TS. Lưu Bích Ngọc. |
“Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, tự chủ không phải là buông lỏng quản lý. Trước đây, Nhà nước cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, luôn có các cơ chế giám sát từ tiền kiểm đến hậu kiểm đi kèm”, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc.
Nguyên nhân, theo bà Ngọc, trước tiên do xã hội và các cơ sở giáo dục đại học hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách tăng cường tự chủ đại học, nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với các cơ sở giáo dục phải tự lo.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn trong điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa hội đồng trường, đảng uỷ và ban giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.
Cũng theo bà Ngọc, cơ chế tự chủ thời gian qua cũng chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau.
“Sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học bó chân, bó tay khi thực hiện tự chủ”, bà Ngọc cho hay.
Tại tọa đàm, Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm rất quan trọng là phải xác định rõ từ hai phía: Cơ quan quản lý được làm gì và nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường, được làm gì?
![]() |
GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm. |
Theo ông, vào những năm 1990, việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, nhưng hiện nay tất cả quyền này, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, bậc học cao nhất của giáo dục đại học, đều giao cho nhà trường.
“Quan điểm của tôi là những gì thuộc về nhà trường, thuộc về hiệu trưởng nhà trường, thì phải trả cho họ đúng nghĩa. Còn cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đi sâu vào quản lý”, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm nêu rõ.
Có thể mất nghề nếu không tự chủ được
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận, Nghị quyết 29 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là căn cứ, nền tảng quan trọng để thầy và trò trong trường vượt qua nhiều khó khăn, rào cản.
PGS.TS. Hoàng Đình Phi kể lại, ông về lãnh đạo nhà trường từ năm 2013, từ đó đến nay có hàng chục giáo sư, chuyên gia đầu ngành ủng hộ, hỗ trợ và trực tiếp tư vấn cách đột phá, phá bỏ một số rào cản để hội nhập; đồng thời sáng tạo ra trường phái học thuật mới để không phải đi sau, sao chép của nước ngoài.
“Phải có những người thầy vĩ đại sát cánh cùng với những người dám dũng cảm tự chủ từ khi trong tay chỉ là số 0”, ông Phi bày tỏ và chia sẻ, cá nhân ông và một số thầy cô ở trường đã chấp nhận đánh đổi, đôi khi phải đặt lên bàn cân đánh đổi tương lai của mình, có thể mất nghề nếu như mình không tự chủ được.
![]() |
PGS.TS. Hoàng Đình Phi. |
“Đấy là bài toán rất khó khi mình đứng ra lãnh đạo một đơn vị tự chủ không có gì cả mà lại muốn theo chuẩn quốc tế. Đấy cũng là thách thức vai trò lãnh đạo của tập thể, của cá nhân trong một ngôi trường đi từ số 0”, ông Phi nói.
Theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, phải thống nhất với nhau rằng, tự chủ không phải là buông lỏng quản lý. Trước đây, Nhà nước cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, luôn có các cơ chế giám sát từ tiền kiểm đến hậu kiểm đi kèm. “Xu thế hiện nay và trong tương lai là sẽ tăng cường công tác hậu kiểm”, bà Ngọc nói.
Trong thời gian này, theo bà Ngọc, cần phải đảm bảo chất lượng từ bên trong, tạo ra các mô hình quản trị mới trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Song song với đó, cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tăng cường sự giám sát của Nhà nước, của xã hội và người học.
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, có nhiều cách đánh giá, nhưng có một kênh quan trọng, là sự kiểm định, đánh giá rộng hơn từ phía nhân dân, phụ huynh, đặc biệt của sinh viên sau thời gian ra trường, từ thực tiễn việc sử dụng lao động của doanh nghiệp. Cùng với việc thanh tra, kiểm tra, ông cho rằng, đây là những nơi đánh giá chính xác và hiệu quả đào tạo.


