Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi đoạn qua công trường thi công sáng 12/6 |
Trong ba ngày nay, người dân tham gia trên đường Nguyễn Trãi đã phải đối diện với hàng rào thi công chiếm gần nửa lòng đường ở chiều Hà Đông đi Ngã Tư Sở.
Thời điểm 7h30 sáng 12/6, PV Tiền Phong ghi nhận, hàng rào thi công có chiều dài khoảng 60 mét rộng trên 6 mét (gần nửa lòng đường) nằm trên đường Nguyễn Trãi đoạn từ ngõ 495 Nguyễn Trãi (gần nút giao Lương Thế Vinh) đến trước số 497. Thời điểm này, toàn bộ xe đi trên đường Nguyễn Trãi hướng ngã tư Khuất Duy Tiến rộng 5 làn xe bị thu hẹp xuống chỉ còn 3 làn xe, dẫn đến các dòng phương tiện bị thắt nút cổ chai, tắc cứng. Thời điểm 8h30, mặc dù đã đến giờ làm việc của các cơ quan công sở, nhưng nhiều người dân di chuyển trên xe máy, ô tô đi làm vẫn bị ùn tắc, xếp hàng dài trên đường Nguyễn Trãi. Vì đường Nguyễn Trãi ùn tắc cũng dẫn đến các tuyến đường nối tiếp hoặc dẫn ra tuyến đường này như Triều Khúc, Chiến Thắng, Nguyễn Khuyễn, Trần Phú (Hà Đông) cũng ùn tắc theo.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, do các tuyến đường phân luồng lưu lượng xe giảm tải cho Nguyễn Trãi như Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh cũng đang có hàng rào thi công nên phương án tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi chỉ thực hiện tại chỗ. Cụ thể, trong 3 ngày qua CSGT và Thanh tra giao thông đã huy động tối đa lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông tại vị trí hàng rào, liên ngành cũng thực hiện tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi tại vị trí có hàng rào thi công là cấm toàn bộ xe khách; với phương tiện cá nhân đi đến nút giao Thanh Xuân (có hàng rào thi công) nếu đi các hướng Ngã Tư Sở, rẽ sang đường Khuất Duy Tiến - Vành đai 3 thì phải đi xuống hầm, không đi qua nút giao ở bên trên.
Trục giao thông huyết mạch hơn 10 năm chưa được “lành lặn”
Trong hơn 10 năm qua, là trục giao thông huyết mạch của Thủ đô ở phía Tây nhưng đường Nguyễn Trãi (QL6) vào nội đô chưa lúc nào được lành lặn, hết dự án này đến dự án khác đào xẻ, dựng lô cốt. Cụ thể, từ năm 2009 đến 2017 là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiếm dụng 2/3 lòng đường; từ 2017 đến 2018 là dự án hầm chui tại nút giao Thanh Xuân; từ 2019 đến 2021 là dự án hoàn trả, duy tu mặt đường; từ tháng 6/203 đến tháng 1/2024 theo tiến độ là hàng rào công trường dự án nước thải Yên Xá.
TS Trần Danh Lợi, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, tuy là cùng thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị nhưng các dự án thi công hạ tầng ở Hà Nội đang được triển khai theo cách rời rạc, thiếu sự đồng bộ, kết nối, dự án sau chồng lấn dự án trước. Ngoài ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đi lại, phát triển kinh tế của người dân, thực trạng này còn gây lãng phí ngân sách.
Cho ý kiến về việc vì sao dự án xử lý nước thải Yên Xá đã có quy hoạch và được thành phố phê duyệt đầu tư gần 10 năm qua nhưng đến nay mới thi công trên đường Nguyễn Trãi, ông Trần Quốc Bảo, Trưởng Ban Quản lý dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - Ban Hạ tầng và nông nghiệp Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng là do thành phố phê duyệt tiến độ thực hiện dự án. Theo ông Bảo, thành phố và các sở ban ngành phê duyệt vào thời điểm nào thì Chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ thi công vào thời điểm đó.Theo tiến độ, các lô cốt trên đường Nguyễn Trãi sẽ tồn tại đến tháng 1/2024.