Ứng phó thế nào với hành vi vu khống, gây tổn hại thương hiệu doanh nghiệp?

Admin

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành nạn nhân của tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ trên mạng xã hội. Trong thời đại số, những hành vi này không chỉ ảnh hưởng uy tín mà còn gây thiệt hại lớn đến hoạt động kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng.

Mạng ảo, thiệt hại thật

Hiện nay, ngày càng có nhiều trường hợp cá nhân lợi dụng tự do ngôn luận, để bôi nhọ, thậm chí tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu cũng như hoạt động kinh doanh của DN và lòng tin của khách hàng. Tình trạng này ngày càng gia tăng về quy mô và hình thức, khiến nhiều DN điêu đứng trong thời gian dài.

Theo ông Phạm Đức T., CEO một công ty bất động sản, gần như 99% DN bất động sản từ tầm trung trở lên từng bị “bôi nhọ” trên mạng xã hội. Nguyên nhân có thể đến từ mâu thuẫn với khách hàng, bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu, hoặc bị một số cá nhân tung tin thất thiệt để câu view, câu like.

Ông T. cho rằng: “Mạng là ảo, nhưng thiệt hại doanh nghiệp phải gánh là thật”. Từ những tin nhắn, video, bài viết chưa kiểm chứng đến hình ảnh căng băng rôn phản đối, tất cả đều có thể trở thành “đòn tâm lý” khiến DN tổn thương sâu sắc.

Chế tài xử lý: Có nhưng còn nhẹ

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết: Các quy định pháp luật hiện hành đã có chế tài xử lý rõ ràng đối với hành vi tung tin giả, xúc phạm uy tín tổ chức.

Theo Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi phát tán thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng. Trong trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc tù giam từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 nếu gây thiệt hại thực tế cho doanh nghiệp.

Ứng phó thế nào với hành vi vu khống, gây tổn hại thương hiệu doanh nghiệp? ảnh 1

Luật sư Hùng nhận định: Trong thời đại số, dòng trạng thái MXH, video chưa kiểm chứng, hay tin nhắn lan truyền trong nhóm chat có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho DNA, gây thiệt hại hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chỉ trong vài giờ. Điều đáng nói, khung chế tài xử lý hành vi này vẫn còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Tại một phiên họp Quốc hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Lương Tam Quang cho rằng, hiện hành lang pháp lý đang thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, sai sự thật trên không gian mạng.

"Bộ Công an kiến nghị không cần xem xét đến hậu quả xảy ra với những hành vi này để chúng ta xử phạt đủ sức răn đe", Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ mình

Về mặt pháp lý, hành vi tung tin sai sự thật đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Theo Luật An ninh mạng năm 2018, tùy theo mức độ vi phạm, người phát tán tin giả có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể hơn, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức hoặc danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Thời gian gần đây, một số vụ việc điển hình đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Năm 2022, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã xét xử bị cáo Đặng Như Quỳnh về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù; cho thấy pháp luật hoàn toàn có thể vào cuộc quyết liệt, nếu doanh nghiệp chủ động thu thập bằng chứng và theo đuổi sự việc đến cùng.

Ứng phó thế nào với hành vi vu khống, gây tổn hại thương hiệu doanh nghiệp? ảnh 2

Bị cáo Đặng Như Quỳnh tại tòa.

Trên thực tế, nhiều DN “ngại” kiện tụng vì mất nhiều thời gian và phức tạp. Đặc biệt, trên không gian mạng, việc xác định đối tượng tung tin đồn cũng rất khó khăn. Đây là thực trạng khá phổ biến, bởi tin đồn thường lan truyền từ các tài khoản ẩn danh, giả mạo,… Trong khi đó, để khởi kiện hay tố cáo, DN phải có bằng chứng rõ ràng: danh tính thật, nội dung, thiệt hại cụ thể.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, với trường hợp này DN không nên im lặng. Việc không phản ứng có thể khiến tin đồn càng lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. DN cần thu thập bằng chứng từ sớm, như: Ảnh chụp, video, link, IP, thời gian đăng…, tiến hành lập vi bằng các nội dung này. Sau đó, trình báo đến cơ quan công an, yêu cầu cơ quan công an hỗ trợ truy vết và xử lý, cụ thể là Phòng An ninh mạng – PA05, Cục A05 – Bộ Công an.

Trường hợp người tung tin là khách hàng cũng không phải hiếm gặp, có thể vì bức xúc cá nhân, phản ánh không đúng sự thật; cố ý gây áp lực để đòi bồi thường, giảm giá, hủy hợp đồng; hay cố ý tung tin sai lệch nhưng vẫn gắn danh tính DN (gắn tên, logo, địa chỉ...).

“Tùy từng mức độ, DN nên sớm liên hệ khách hàng, giải thích và yêu cầu gỡ bài; xem xét khởi kiện hoặc tố giác tội phạm. Ngoài ra, DN cũng nên chủ động ra thông báo chính thức minh bạch thông tin, tránh để thông tin một chiều”, ông Hùng nói thêm.

Ngoài các chế tài xử phạt đã nêu, theo quy định tại khoản 1, Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, khi một cá nhân thực hiện hành vi bôi nhọ doanh nghiệp mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì cá nhân đó có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.