Vụ án tại Công ty Tây Hồ: Tình tiết 'lạ' trong lá đơn của mẹ đẻ nữ bị cáo

Admin

TPO - Viện KSND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Tây Hồ. Tuy nhiên, mới đây, bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi, mẹ của một nữ bị can trong vụ án) đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kêu oan cho con và cho biết, bà từng nghe con nói về những khuất tất tại nơi con gái bà làm thuê. 

Bị cáo buộc gây thiệt hại cho nhà nước hơn 90 tỷ đồng

Viện KSND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can, gồm: Đặng Quang Tuấn (Nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (Nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (Nguyên Phó TGĐ), Chu Thị Ngọc Ngà (Nguyên Trưởng ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (Nguyên Trưởng phòng kinh doanh) của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015.

Cáo trạng thể hiện, Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp cổ phần, sau nhiều lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và vốn điều lệ từ năm 2017 đến nay Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần (doanh nghiệp có 98,83% vốn Nhà nước) là cổ đông đang nắm giữ 50.09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ, tỷ lệ cổ phần còn lại (49,91%) do cổ đông là người lao động và cổ đông ngoài công ty nắm giữ.

Năm 2011, Công ty Tây Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao khu đất tại huyện Quế Võ có tổng diện tích hơn 581.437m2 để xây dựng Khu đô thị mới Quế Võ.

Năm 2014, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng cho TNHH Tùng Bách 281.373,3m2 diện tích dự án.

Trong phần diện tích đất còn lại có 180.650,0m2 được giao cho Công ty Tây Hồ làm Chủ đầu tư. Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp 118 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tương ứng với 118 lô đất ở, phần dự án còn lại lúc này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng do thiếu vốn. Cuối tháng 2/2017, HĐQT Công ty Tây Hồ đã họp, ra nghị quyết giao 118 lô đất nêu trên cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng, ban liên quan làm việc với đơn vị thẩm định xác định giá trị đầu tư, xây dựng phương án kinh doanh chuẩn bị bán hàng thu hồi vốn…

Quá trình thực hiện các bị can đã thuê Công ty CP đầu tư và thẩm định giá AIC - Việt Nam để xác định giá trị quyền sử dụng các lô đất. Phía AIC - Việt Nam, tiến hành thẩm định sơ bộ xác định giá mỗi lô đất dao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/m2.

Tháng 5/2017, các thành viên HĐQT là Tuấn, Hải, Việt Anh có sự tham gia của Ngà đã thống nhất chủ trương sẽ tìm cách “bán buôn” 118 lô đất để huy động vốn hoàn thiện hạ tầng, khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện việc “bán buôn”, Công ty ký hợp đồng thuê Văn phòng luật sư N N T và được tư vấn ký “hợp đồng hỗ trợ tài chính” với một số tổ chức, cá nhân để “hợp thức hóa” việc bán đất.

Các bị can đã ký hợp đồng hỗ trợ tài chính và chuyển nhượng cho nhóm khách hàng là bà N T H (ở Hà Nội) 77 lô đất với giá 71,9 tỷ đồng; bà N T S (ở Bắc Ninh) 17 lô đất, với giá 13 tỷ đồng; 24 lô còn lại được bán cho Công ty Bất động sản Tây Hồ (Công ty Tây Hồ là cổ đông) với giá 62,6 tỷ đồng.

Tổng số tiền chuyển nhượng hơn 148 tỷ đồng, trong khi đó ngày 4/1/2022 Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kết luận xác định, tổng giá trị của 118 lô đất là hơn 333 tỷ đồng và kết luận hành vi chuyển nhượng 118 lô đất trái quy định của nhóm bị can tại Công ty Tây Hồ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 91 tỷ đồng và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.

Vụ án tại Công ty Tây Hồ: Tình tiết 'lạ' trong lá đơn của mẹ đẻ nữ bị cáo ảnh 1

Nhóm bị can trong vụ án từ trái qua phải: Tân Tú Hải; Đặng Quang Tuấn; Phan Việt Anh và Chu Thị Ngọc Ngà.

Cụ già 91 tuổi kêu oan cho con gái

Đáng chú ý, quá trình cơ quan điều tra tiến hành các bước tố tụng vụ án gia đình bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có đơn kêu oan gửi đến Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh… và các cơ quan báo chí.

Trong đơn, bà Bảo cho rằng, con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà bị oan trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Tây Hồ.

Bà Bảo cho hay, con gái bà vừa là cổ đông, vừa là người lao động tại Công ty. Sau khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia đình bà đã có rất nhiều đơn phản ánh, kêu cứu nhưng chưa một lần được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết.

Vẫn theo nội dung đơn bà Bảo viết, con gái bà bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” nhưng tội danh này chỉ áp dụng cho những người được nhà nước giao vốn - tức phải là người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài nhà nước, tại Công ty cũng không có ai là “Người đại diện vốn nhà nước”.

Đáng chú ý, trong đơn bà Bảo còn nhắc đến trước khi bị bắt con gái bà luôn kêu ca về việc tại công ty có cổ đông nhiều lần “đe dọa sẽ cho bắt con tôi cùng với mọi người” nhằm mục đích thâu tóm công ty nhưng phận bà đã lớn tuổi, không biết hết việc xảy ra với con tại nơi làm việc.

Cuối đơn, bà mong muốn lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh…giúp đỡ xem xét lại vụ án và làm rõ quá trình tiến hành tố tụng.

Còn luật sư Phan Quốc Thắng, Giám đốc Công ty luật TNHH Faith (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Ngà) cho rằng, kết luận điều tra vụ án hình sự và cáo trạng đã “đánh tráo khái niệm” nhằm cố chứng minh về sự tồn tại của một hình thái “sở hữu nhà nước”, sự tồn tại của “Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và sự tồn tại “chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” tại một doanh nghiệp ngoài nhà nước (Công ty Tây Hồ) dùng làm căn cứ chứng minh thân chủ của ông cùng 4 bị cáo khác trong vụ án đã phạm tội là không phù hợp với quy định pháp luật.

Vị luật sư này cho biết, đã gửi đơn đến nhiều cơ quan như Ban Nội chính Trung ương, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vụ án, trong đó có nội dung bà Chu Thị Ngọc Ngà cùng 4 bị can trong vụ án không phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.