Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích

Admin

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hơn 5,5 ha cà phê của anh Nguyễn Văn Định tại thôn 13, xã Bảo Lâm 1 do chết cành, rụng quả bất thường sau khi bón phân NPK 16-16-8+4S. Mẫu phân bón đã được lấy để phân tích, nhằm làm rõ nguyên nhân.

Ngày 6/7, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng do ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng dẫn đầu, phối hợp với UBND xã Bảo Lâm 1, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải, Công ty TNHH Behn Meyes Agicare Việt Nam (đơn vị sản xuất phân bón) và anh Nguyễn Văn Định (chủ vườn cà phê) tiến hành kiểm tra thực tế hơn 5,5 ha cà phê bị chết cành, rụng lá, rụng quả bất thường tại thôn 13, xã Bảo Lâm 1.

Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích- Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra trao đổi sau khi kiểm tra thực tế tại vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Định.

Tại buổi kiểm tra, đoàn ghi nhận vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Định xuất hiện tình trạng rụng lá, rụng quả non khoảng 60% sau 15 ngày bón phân NPK 16-16-8+4S nhãn hiệu BM. 

Theo anh Định, từ 19/3 đến 16/5, gia đình mua tổng cộng 8,6 tấn phân bón này từ Công ty TNHH Huy Hoàng Hải. Sau lần bón đầu tiên (19/3), cây cà phê phát triển tốt. Tuy nhiên, sau lần bón thứ hai (4,6 tấn), cây bắt đầu rụng lá, rụng quả và chết cành, tình trạng kéo dài sau đó. 

Anh Định đã báo Công ty TNHH Huy Hoàng Hải và công ty hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt, nhưng không cải thiện.

Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích- Ảnh 2.

Vườn cà phê của gia đình anh Định bị rụng lá, chết cành, rụng quả bất thường.

Đoàn kiểm tra xác định vườn cà phê bị sâu bệnh với tỷ lệ: bệnh than thư 16,3%, cây vàng lá 19,5%, mọt đục cành 35%. Các tác nhân khác như sệp sáp, mọt đục quả, bệnh rỉ sắt, và nấm hồng ở mức thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây rụng quả, rụng lá chưa được xác định. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu phân bón NPK 16-16-8+4S để phân tích, đồng thời hướng dẫn anh Định áp dụng biện pháp chăm sóc theo khuyến cáo.

Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích- Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra xác định vườn cà phê bị sâu bệnh.

Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích- Ảnh 4.

5,5 ha cà phê của anh Nguyễn Văn Định chết cành, rụng quả bất thường sau khi bón phân.

Vụ hơn 5,5 ha cà phê chết cành, rụng quả bất thường ở Lâm Đồng: Cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón đi phân tích- Ảnh 5.

Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón được gia đình anh Định lưu giữ để phân tích thử nghiệm.

UBND xã Bảo Lâm 1 và các cơ quan liên quan cam kết theo dõi vụ việc, công bố kết quả phân tích để làm rõ trách nhiệm. Vụ việc gây lo ngại về chất lượng phân bón và bảo vệ cây cà phê – ngành kinh tế chủ lực của Lâm Đồng.

Vườn cà phê của anh Nguyễn Văn Định bị rụng lá, chết cành, rụng trái bất thường sau 15 ngày bón phân.

Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 5/2025, sau 15 ngày bón phân NPK 16-16-8+4S nhãn hiệu B.M., hơn 5,5ha cà phê 13 năm tuổi của anh Nguyễn Văn Định (xã Bảo Lâm 1) bất ngờ rụng lá, chết cành và rụng trái hàng loạt, gây thiệt hại nặng.

Anh Định cho biết, trước khi bón phân, vườn cà phê của gia đình thuộc loại đẹp nhất vùng, xanh tốt, chi chít quả non. Gia đình mua 7,5 tấn phân bón từ đại lý để dưỡng trái, kỳ vọng vụ mùa năng suất cao. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn, vườn cà phê bắt đầu vàng lá, rụng trái, và tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

"Tình trạng thối cành, rụng lá, rụng trái vẫn tiếp diễn, không có dấu hiệu cải thiện", anh Định chia sẻ.

Ghi nhận tại vườn, cây cà phê ngả vàng, lá rụng kín gốc, nhiều cành chết, và trái rụng bất thường. Nghi ngờ chất lượng phân bón, anh Định báo đại lý phân bón kiểm tra. Đại lý cho rằng vườn bị sâu bệnh, nhưng anh Định phản bác: "Với 20 năm kinh nghiệm trồng cà phê, tôi biết các loại sâu bệnh như rệp sáp, mọt đục cành, gỉ sắt. Nếu là sâu bệnh, các vườn lân cận cũng phải bị, nhưng chỉ vườn tôi bất thường sau bón phân".

Đại lý hỗ trợ 3 tạ phân vi lượng, 800 lít phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tình trạng vườn không cải thiện. Anh Định ước tính thiệt hại lớn: "Năm ngoái, vườn cho hơn 30 tấn nhân, nhưng năm nay có thể dưới 10 tấn".

Gia đình anh Định lưu mẫu phân bón và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ nguyên nhân rụng lá, chết cành. "Chúng tôi cần kết luận cụ thể để bảo vệ người trồng cà phê", anh Định nhấn mạnh.

Phi Long - Anh Tú