Một khối đất không đạt cũng phải xúc đi
Liên quan tới điều tra “đất tặc”, phóng viên Tiền Phong bị doạ giết cả nhà, theo tìm hiểu của chúng tôi, số đất này chủ yếu được các đối tượng mua để thi công đường tránh Đông TP.Buôn Ma Thuột, đoạn từ Km9-11, ở thôn 6, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Khu vực này do nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng T.S thi công. Chủ đầu tư dự án đường tránh Đông là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (BQLDA).
Đất tại nhà ông Hương và đất thi công tại tuyến đường tránh Đông, đoạn do nhà thầu T.S đảm nhận có đặc điểm tương đồng |
Theo ông Đặng Thọ Dần, Phó phòng điều hành dự án giao thông (thuộc BQLDA), ngày 17/4, ông cùng tổ công tác đi kiểm tra, phát hiện khu vực thi công của công ty này sử dụng vật liệu đất không đạt chất lượng để thi công nền đường nên đã lập biên bản, yêu cầu loại bỏ toàn bộ số đất này ra khỏi công trường.
Ngày 15/5, ông Dần cùng BQLDA tiếp tục kiểm tra hiện trường thi công, phát hiện Tổng Công ty Xây dựng T.S sử dụng đất sét thi công tại đoạn Km9+000-Km9+900. Phía doanh nghiệp nói lấy đất này từ mỏ Minh Sáng đã được cấp phép. Tuy nhiên, nhận thấy chất lượng đất không đạt theo quy định, ông Dần yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát (Cty Tư vấn kỹ thuật và xây dựng Hồng Hà) thống kê đất đã đắp, dọn hết số đất này ra khỏi công trường.
“Có 11 mỏ đất được cấp phép để phục vụ thi công dự án này, nếu đất ở Minh Sáng không đạt thì phải lấy mỏ khác. Chúng tôi đã lập biên bản, cảnh cáo thí nghiệm, đuổi một tư vấn giám sát do để chở vật liệu đầu vào không đúng chất lượng”, ông Dần cho hay.
Theo đại diện chủ đầu tư, sau khi báo Tiền Phong có bài phản ánh một số nhà thầu mua đất của người dân ở thôn 8 (xã Ea Ktur) thi công đường tránh Đông, BQLDA đã trực tiếp xuống khu vực này kiểm tra. “Có 2 chiếc máy đào (máy múc) không có tên công ty, màu vàng như Tiền Phong phản ánh đang nằm ở đây. Trên công trường thi công tuyến đường này chỉ có hai máy đào như vậy thuộc tài sản của TCty Xây dựng T.S”, ông Dần nói.
Trước thông tin Tiền Phong phản ánh, ông Dần cho biết ngày 30/5 sẽ họp với nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng T.S cùng Tư vấn giám sát để xác minh. Ông khẳng định, đây là dự án trọng điểm giao thông, chất lượng phải luôn đặt lên hàng đầu. Kể cả việc họ lấy đất đúng mỏ nhưng không đạt yêu cầu cũng không được dùng để thi công. “Hôm qua, tôi vào khu vực múc đất báo Tiền Phong phản ánh và mỏ phía T.S được cấp phép kiểm tra, đối chiếu. Theo đánh giá ban đầu, tính chất đất (gồm hạt, đá cháy, hàm lượng sét rất nhiều) của hai khu vực này tương đồng nhau. Hiện vẫn phải chờ kết quả phân tích tính chất, của đất rồi mới kết luận được. Trước đó, đất lấy từ mỏ cùng tính chất trên, không đạt chất lượng đã bị loại bỏ khỏi công trường”, ông Dần cho hay.
Khi được hỏi, lượng đất các đối tượng đã múc của hộ ông Hương lên tới cả trăm nghìn mét khối, BQLDA liệu có kiểm tra, bắt họ xúc hết được không? Ông Dần khẳng định: “Chúng tôi đang yêu cầu tư vấn giám sát rà soát lại tất cả. Sau đó sẽ tổ chức nghiệm thu lại, loại hết đất không đạt ra. Kể cả một khối đất không đạt cũng phải xúc đi”, ông Dần nói.
Vậy việc xử lý nếu kết luận đúng nhà thầu gian dối, múc đất nơi khác thi công thì sao? Ông Dần cho biết: “Dự án đã được cấp phép mỏ phục vụ thi công rồi, nhà thầu bắt buộc phải lấy đất đúng mỏ đã được cấp, xuất hoá đơn tại mỏ. Còn việc họ có ăn cắp, ăn trộm không phải chờ điều tra, xác minh rồi mới xử lý được. Khi có kết luận đúng là họ lấy đất từ nơi khác, chúng tôi sẽ cảnh cáo ban chỉ huy điều hành công trường của nhà thầu, yêu cầu thay thế”.
Có lợi ích nhóm đằng sau?
Liên quan việc múc đất ở xã Ea Ktur, ngày 25/5, khi phóng viên vào trực tiếp phòng làm việc của ông Nguyễn Tấn An, công chức địa chính xã, đề nghị hợp tác, cung cấp biên bản xử phạt đối với hộ ông Nguyễn Công Hương (thôn 8). Ông An lập tức đề nghị: “Làm việc phải qua lãnh đạo xin ý kiến, chỉ đạo. Anh gọi cho anh May - Chủ tịch xã đi. Anh ấy có chỉ đạo, tôi mới cung cấp được”.
Phóng viên cho biết, trước đó đã gọi nhiều lần, trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND xã và ông này nói rằng sẽ đề nghị ông An chụp ảnh, gửi biên bản qua Zalo. Tuy nhiên, hơn 10 ngày rồi, báo Tiền Phong vẫn không nhận được phản hồi gì. Sau đó, ông An ra ngoài gọi điện xin ý kiến ông May rồi quay vào nói: “Anh ấy đang họp, về xử lý sau. Phải có sự chỉ đạo của anh ấy tôi mới cung cấp”. Phóng viên buộc phải gọi điện cho Chủ tịch huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy và Chủ tịch xã Nguyễn Kim May đề nghị cung cấp thông tin.
“Lấy biên bản làm gì anh nhỉ? Tôi đã cung cấp thông tin cho anh rồi còn gì? Anh chờ tôi về nhé. Tôi đang họp ở huyện”, ông May trả lời. Còn Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy trả lời: “Ông May đang họp dưới huyện. Để tôi trao đổi lại”. Một lúc sau, ông An nghe điện thoại rồi mới chịu lấy biên bản gửi cho phóng viên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tối 6/5, sau khi phóng viên điện thoại báo, đề nghị xã ra bắt quả tang, lập biên bản hành vi san múc đất, tại sao xã không triển khai, ông An cho rằng việc đó phải xin ý kiến chủ tịch xã và công an xã. “Vậy ông có gọi cho chủ tịch xã sau khi báo đề nghị không? Xã có cho đoàn vào kiểm tra sau đó không?”. Ông An trả lời: “Tôi có gọi nhưng không rõ sau đó có kiểm tra hay không”.
Theo ông An, xã có giao cho một công chức địa chính khác và một phó chủ tịch xã kiểm tra, tuy nhiên, kết quả thế nào đến nay ông không nắm rõ.
Theo biên bản của UBND xã Ea Ktur, ngày 24/4, xã kiểm tra, lập biên bản xử phạt ông Nguyễn Công Hương 4 triệu đồng về hành vi làm biến dạng địa hình, thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác, với diện tích bị huỷ hoại dưới 0,05ha đất (cụ thể 300m2). Thời điểm này, tại hiện trường có 1 xe xúc đào nhãn hiệu Sumitomo và 4 xe tải ben đang đào múc đất, chở đi nơi khác.
UBND xã Ea Ktur và Công an huyện Cư Kuin yêu cầu ông Hương ngừng ngay việc tự ý đào, múc và vận chuyển đất ra khỏi vị trí thửa đất được cấp. Đồng thời, đưa các xe múc và xe ben ra khỏi vị trí đào múc. Trường hợp gia đình ông Hương và các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, tiếp tục đào múc, UBND xã sẽ tạm giữ phương tiện và báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn để xử lý. UBND xã Ea Ktur cũng buộc hộ ông Hương khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong 15 ngày, kể từ ngày 24/4. Thế nhưng, như phóng viên ghi nhận các ngày sau đó (27-28/4, 6/5), hoạt động đào múc, chở đất vẫn rầm rộ.
Công an làm việc với các đối tượng liên quan
Ngày 29/5, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Cư Kuin gọi hết các đối tượng liên quan lên để điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ việc.
Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh này đề nghị bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên; điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng trên theo quy định của pháp luật, thông báo kết quả với Hội (qua Ban Kiểm tra) bằng văn bản.
Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn gửi Công an tỉnh, UBND huyện Cư Kuin đề nghị điều tra, xử lý nghiêm; đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng nhà báo Nguyễn Văn Tuấn và người thân.