Xây Nhà hát các dân tộc sau Nhà hát Lớn: Đe dọa không gian di sản

Admin

TP - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phát biểu ở Quốc hội về ý tưởng xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn. Giới quản lý, chuyên gia thừa nhận thực trạng thiếu thiết chế văn hóa tầm cỡ quốc gia, tuy nhiên vị trí đề xuất của Bộ VHTTDL gây tranh cãi. Công trình hiện đại mọc lên ngay phía sau Nhà hát Lớn đe dọa di sản nhà hát trăm tuổi và không gian lân cận.

Cần thêm thiết chế tầm cỡ quốc gia

Đề xuất của Bộ VHTTDL xuất phát từ nhiệm vụ được Chính phủ giao nghiên cứu, báo cáo chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam "xứng tầm, hiện đại và trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam". Tuy chưa có ý tưởng cụ thể về nhà hát, nhưng việc khảo sát, đề xuất phương án xây dựng phía sau Nhà hát Lớn của Bộ VHTTDL lập tức gây tranh cãi.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung, nhà hát nói riêng hết sức cần thiết. Trong bối cảnh chúng ta tập trung cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần có những thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh. Đây là nơi tổ chức những chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn, có thương hiệu khu vực và quốc tế, giúp cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng, giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế.

Xây Nhà hát các dân tộc sau Nhà hát Lớn: Đe dọa không gian di sản ảnh 1

Không gian phía sau Nhà hát Lớn không phù hợp cho công trình xây mới hiện đại. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

“Chúng ta đang thiếu các thiết chế văn hóa như vậy. Đa phần các nhà hát đều được xây dựng từ khá lâu, có công năng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại. Nhà hát tốt nhất có được lại là Nhà hát Lớn xây dựng cách đây hơn 100 năm và luôn luôn quá tải. Sắp tới, Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động, nhưng chưa đủ đáp ứng sự phát triển nghệ thuật ở Thủ đô trong những năm tới”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.

Trao đổi với Tiền Phong về nguy cơ vi phạm Luật Di sản văn hóa nếu xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ngay sau Nhà hát Lớn, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định: “Việc này mới đang trong quá trình nghiên cứu”. Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu một số địa điểm khác nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

BẢO HÂN

Khu vực Nhà hát Lớn sở dĩ được Bộ VHTTDL đề xuất vì đáp ứng tiêu chí về vị trí trung tâm, thuận tiện cho kết nối và tiếp cận của công chúng, nhưng đây lại là một vị trí đặc biệt cả về kiến trúc, mật độ cư dân, giá trị di sản và lịch sử nên cần thận trọng.

Nên tính toán lại

Địa điểm phía sau Nhà hát Lớn hội tụ một số điều kiện thuận lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản lân cận. “Không gian ở đây khá hẹp, không hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng một thiết chế văn hóa hiện đại”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu. Nhà hát Lớn được công nhận là di tích quốc gia, theo Luật Di sản văn hóa vùng lõi và vùng bảo vệ đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Chưa kể, nhiều công trình lân cận như Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là công trình kiến trúc, lịch sử quan trọng cần được bảo tồn.

Xây Nhà hát các dân tộc sau Nhà hát Lớn: Đe dọa không gian di sản ảnh 2

Di tích Quốc gia Nhà hát Lớn và nhiều công trình lân cận tạo nên quần thể kiến trúc, di sản quan trọng. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một công trình nhà hát mới, hiện đại có thiết kế phức tạp cần có không gian rộng rãi để phục vụ những nhu cầu đa dạng, phong phú. Các tiêu chí này phù hợp với sự phát triển công nghệ, tạo thành một không gian sáng tạo hiệu quả. “Chúng ta cần có đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa cụ thể để hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trước khi quyết định xây dựng một công trình quan trọng như Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở khu vực này”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nói rằng, việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam về lâu dài là cần thiết. Tuy nhiên, địa điểm xây dựng nên nghiên cứu, tính toán lại. “Khu đất gần Nhà hát Lớn không có diện tích đủ rộng. Trong khi đó, chúng ta đang xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nên chăng đưa nhà hát lên không gian này. Khu đô thị Hòa Lạc - Sơn Tây - Xuân Mai đang được đẩy nhanh tiến độ, kết nối giao thông với nội thành trong tương lai cũng rất thuận lợi”, ông Trương Minh Tiến đề xuất.

Từ kinh nghiệm quản lý văn hóa, nghệ thuật nhiều năm ở vai Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, ông Trương Minh Tiến cho rằng, các nhà hát hiện cũng đủ khả năng để trình diễn chương trình nghệ thuật lớn theo yêu cầu. Câu chuyện xây dựng nhà hát cần bàn tính lâu dài, là câu chuyện dài hơi.

KTS Hoàng Thúc Hào:

“Nên xây hệ thống tầng ngầm tăng giá trị sử dụng cho khu vực”

Tại sao lại nhét một nhà hát vào đấy? Rất vô lý. Ngay gần có Nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an ở Hàng Bài. Ta cũng phải xem phân bổ nhà hát như thế nào: Hà Nội đã đủ chưa? Nhà hát nào thích hợp? Nhà hát các dân tộc cứ gì phải xây ở Thủ đô - có rất nhiều nhà hát rồi. Tại sao không xây ở một khoảng cách nào đấy. Phú Thọ hay đâu đó để biến nơi đó thành một cực phát triển văn hóa cho các miền hội tụ về.

Tôi đồng ý với ý kiến giải tỏa khu vực Nhà hát kịch Việt Nam để tạo khoảng trống giữa Bảo tàng Lịch sử và Nhà hát Lớn, thành không gian đi bộ lý tưởng. Cùng với ba vườn hoa xung quanh Nhà hát Lớn sẽ biến nơi đây thành không gian văn hóa, sáng tạo tuyệt vời. Lý tưởng nhất là chúng ta làm thêm 3-4 tầng hầm ở bên dưới phục vụ cho thương mại, dịch vụ, nghệ thuật, lưu niệm… theo kiểu thành phố sáng tạo. Như vậy sẽ làm tăng giá trị sử dụng đất, đồng thời giải phóng phía trên thành không gian đi bộ, tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn nhỏ quanh các hạt nhân là Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

KTS Nguyễn Trí Thành:

Không phải cứ co cụm mới làm tăng giá trị

Không nên đưa Nhà hát các dân tộc Việt Nam vào không gian này, bởi đây là khu phố kiến trúc Pháp. Nếu có thêm cái gì cũng liên quan đến Tây phương hơn là văn hóa truyền thống. Làm như vậy không trang trọng với văn hóa truyền thống vì Nhà hát Lớn đã trấn đằng trước rồi, ở đằng sau kiểu gì cũng lép vế. Họ đang nghĩ rằng đưa nhiều thứ vào một chỗ sẽ làm tăng giá trị. Thực ra đặc sản phải riêng ra, không lại thành lẩu thập cẩm.

N.M.Hà (ghi)