Xuất khẩu giảm sâu, kinh tế Hà Tĩnh vẫn tăng trưởng 8,16%

Admin

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hà Tĩnh đạt 8,16%, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục giữ vai trò chủ lực với mức tăng 10,39%, đóng góp gần một nửa vào mức tăng trưởng chung của tỉnh...

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, GRDP 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh tăng 8,16% so với cùng kỳ. Trong các khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt mức tăng cao nhất với 10,39%, đóng góp 4,18 điểm phần trăm, giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế địa phương.

Phân tích sâu hơn cho thấy, trong khu vực công nghiệp – xây dựng, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò đầu tàu với mức tăng trưởng 8,52%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Một số ngành sản xuất mũi nhọn như khai khoáng, sản xuất năng lượng, sản xuất xơ sợi, packpin, cellpin đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Đặc biệt, ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng tới 16,62%, đóng góp thêm 1,54 điểm phần trăm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trên địa bàn tỉnh nhiều công trình và dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khu vực nông – lâm – thủy sản tuy chỉ tăng 2,79% nhưng vẫn góp phần ổn định cơ cấu kinh tế chung, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,18% (đóng góp 0,24 điểm phần trăm), lâm nghiệp tăng 7,03% (0,06 điểm phần trăm) và thủy sản tăng 4,89% (0,07 điểm phần trăm).

Những con số này cho thấy vai trò bền vững của khu vực nông nghiệp, nhất là khi nông nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ.

Khu vực dịch vụ cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng đạt 7,93%, đóng góp 2,88 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn trở nên sôi động hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và du lịch nội địa.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu của Hà Tĩnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt ở các mặt hàng chủ lực. Nhờ sự phục hồi kinh tế và chiến lược đa dạng hóa thị trường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng trưởng xuất khẩu đáng kể.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại đạt khoảng 6,79 triệu USD, tăng 112,85% so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng hàng dệt và may mặc đạt khoảng 27,26 triệu USD, tăng 119,85%; xuất khẩu chè cũng đạt 2,73 triệu USD, tăng 10,53%. Đây đều là những ngành có sự chuyển dịch tích cực, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu thế tiêu dùng mới sau đại dịch.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh ước đạt 805 triệu USD, giảm khoảng 26,65% so với cùng kỳ năm 2024 và mới chỉ đạt 32,2% kế hoạch cả năm 2025.

Nguyên nhân chính là do sản lượng xuất khẩu thép, mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhiều năm qua, bị sụt giảm mạnh bởi khó khăn trong tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Dù vậy, Hà Tĩnh vẫn nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 3 sau Thanh Hóa và Nghệ An. Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thể hiện sự linh hoạt của doanh nghiệp và chính sách điều hành sát thực tế của địa phương.

Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 2,5 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách phát triển logistics và xuất khẩu giai đoạn 2026–2030; đồng thời phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chế biến, xuất khẩu, đảm bảo đúng tiến độ đưa vào hoạt động.

Theo đánh giá của ngành chức năng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,16% là kết quả tích cực, tạo nền tảng cho tăng trưởng cả năm. Dư địa tăng trưởng của Hà Tĩnh trong nửa cuối năm còn khá lớn, đặc biệt nhờ sự đóng góp từ các công trình, dự án quy mô lớn dự kiến đi vào vận hành.

Trong đó, đáng chú ý là Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại Khu kinh tế Vũng Áng và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II – hai công trình trọng điểm với kỳ vọng tạo cú hích lớn cho sản xuất công nghiệp và tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng lớn vẫn đang được thi công đồng loạt, giúp lĩnh vực xây dựng duy trì đà tăng trưởng cao.

Ngoài ra, hoạt động thương mại, dịch vụ được kỳ vọng sôi động hơn vào những tháng cuối năm mùa cao điểm tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho GRDP toàn tỉnh.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn vẫn hiện hữu, việc duy trì mức tăng trưởng trên 8% là một tín hiệu đáng mừng. Kết quả này cho thấy nền kinh tế Hà Tĩnh đang có sự phục hồi thực chất, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển hợp lý trong cơ cấu ngành và nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền các cấp.