
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chủ trị hội nghị - Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết việc thành lập tỉnh Bắc Ninh mới trực thuộc trung ương dựa trên việc sáp nhập địa giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay.
Tỉnh Bắc Ninh mới sau sáp nhập
Tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên 4.718,6km², đạt tỉ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số trên 3,6 triệu người, đạt gần 259% so với tiêu chuẩn, và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến tên gọi tỉnh là Bắc Ninh, còn trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Theo đề án, Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng và hướng dẫn của trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh sẽ hợp nhất. Đại biểu HĐND hợp nhất thành đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh mới và hoạt động đến hết nhiệm kỳ. Còn việc kiện toàn chức danh lãnh đạo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và quy định liên quan.
Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Đảng ủy các cơ quan tỉnh, Đảng ủy UBND tỉnh, báo Bắc Giang, báo Bắc Ninh, Đài phát thanh và truyền hình Bắc Giang, Đài phát thanh và truyền hình Bắc Ninh sẽ hợp nhất theo chức năng, nhiệm vụ.
Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh mới và các tổ chức bên trong sẽ có đề án riêng. Đề án cũng nêu việc hợp nhất các cơ quan, ban của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội hai địa phương.
Về khối chính quyền, 13 sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng sẽ được sắp xếp như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Sở Y tế…
Do đặc thù, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Giang và tiếp nhận nhiệm vụ về tôn giáo, tín ngưỡng từ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.

Một góc thành phố Bắc Giang, nơi dự kiến đặt trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Bắc Ninh mới - Ảnh: NGUYỄN KẾ
Sáp nhập thống nhất, liên thông hạ tầng
Ngoài ra các cơ quan như Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm phát triển quỹ đất… sẽ tổ chức lại phù hợp thực tế. Các đơn vị sự nghiệp về y tế và giáo dục sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về phương án, đề án sắp xếp với các cơ quan, đảm bảo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho ý kiến sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về sáp nhập báo và đài phát thanh - truyền hình hai tỉnh.
Các ban quản lý dự án cấp tỉnh sẽ đổi tên, trong khi các ban quản lý dự án cấp huyện tổ chức thành ban quản lý dự án khu vực để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Tuấn đề xuất các tổ công tác xây dựng kế hoạch, báo cáo kết quả tới Ban Chỉ đạo. Ví dụ, tỉnh Bắc Ninh đang điều chỉnh quy hoạch tỉnh phục vụ xây dựng sân bay và đường kết nối sân bay Nội Bài, do đó việc sáp nhập cần thống nhất, liên thông, đồng bộ hạ tầng.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu khẳng định hai tỉnh có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa và tỉnh Bắc Ninh mới sẽ có dư địa, tiềm năng, tương lai phát triển rất lớn.
Về sắp xếp, ông đề nghị hai tỉnh tập trung, phát huy tinh thần trách nhiệm, thống nhất quan điểm để đảm bảo tính hợp lý, phục vụ phát triển chung.
