Đáng lo ngại hơn là thời gian gần đây liên tiếp có nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn trên và đã có nhiều nhân viên ngân hàng "xộ khám".
"Chiêu" lừa của giám đốc phòng giao dịch
Hà Hải Đăng (35 tuổi, trú Đà Nẵng) giữ chức giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) từ năm 2017.
Khoảng năm 2019 - 2022, Đăng đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng bị thua lỗ và phải vay mượn tiền của người này trả cho người kia. Tuy nhiên từ giữa năm 2023 việc mượn tiền gặp khó nên giám đốc này nảy sinh ý định vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn cho khách vay vốn tại ngân hàng. Thực tế, tiền mà Đăng đã vay của người khác được dùng để trả cho các khoản nợ cá nhân. Qua đó người này đã chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Điển hình như Đăng vay của ông N.T.A. (trú huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) 850 triệu đồng với hứa hẹn là để làm đáo hạn cùng mức lãi suất 200.000 đồng/100 triệu đồng/ngày. Vậy nhưng khi lấy được tiền, vị giám đốc này đem đi trả các khoản nợ cá nhân. Không trả được số tiền đã vay, Đăng tiếp tục thỏa thuận với chủ nợ sẽ trả mỗi tháng 50 triệu đồng tiền gốc, 6 triệu đồng tiền lãi. Khi bị ông A. đòi nợ, Đăng mới trả được gần 175 triệu đồng.
Không chỉ vậy, lợi dụng lòng tin của người khác về việc mình đang công tác tại ngân hàng, Đăng đã nhiều lần vay của một người khác với số tiền 2,6 tỉ đồng làm đáo hạn nhưng đến cuối năm 2023 mới trả được gần 600 triệu đồng.
Cũng bằng thủ đoạn trên, trong năm 2023 Đăng hai lần liên hệ ông L.C.A. (trú huyện Quế Sơn, Quảng Nam) để vay tiền làm đáo hạn ngân hàng cho khách. Vậy nhưng đến hạn trả nợ Đăng mới trả được hơn 64 triệu đồng, còn chiếm đoạt gần 2,7 tỉ đồng...
Với "chiêu" vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng, Đăng đã chiếm đoạt của 11 bị hại với tổng số tiền trên 18,5 tỉ đồng. Hành vi của Đăng còn có sự giúp sức của các đồng phạm, làm giả giấy tờ để đưa cho các bị hại tin tưởng là thật để giao tiền cho mình.
Ngày 26-12-2024, TAND tỉnh Quảng Nam đã xét xử, tuyên Đăng lãnh 17 năm tù và tuyên các mức án khác nhau cho ba bị cáo đồng phạm về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nhiều nhân viên ngân hàng "xộ khám"
Đáng lo ngại là thời gian qua, tại nhiều địa phương đã có nhiều nhân viên, cán bộ ngân hàng "xộ khám" cũng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay mượn tiền để làm đáo hạn. Như mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam Cù Thị Hoài Thanh (trú Đà Nẵng, nhân viên chi nhánh một ngân hàng ở quận Hải Châu) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi làm tại ngân hàng, Thanh quen biết với bà N.T.D.K. (trú Đà Nẵng). Sau đó Thanh nhiều lần mượn tiền của bà K. để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng và đều đặn trả lãi lẫn gốc đầy đủ. Tuy nhiên sau đó do cần tiền để trả nợ cá nhân và đầu tư tiền ảo nên Thanh nói dối với bà K. là cần tiền để đáo hạn ngân hàng.
Sau khi bà K. cho mượn hơn 3,3 tỉ đồng, Thanh không đáo hạn ngân hàng như đã nói mà mang đi trả nợ, đầu tư tiền ảo rồi thua lỗ sạch. Thanh tiếp tục nói dối là cần tiền đáo hạn ngân hàng để mượn của ông N.V.N. (trú Đà Nẵng) nhiều lần với tổng số tiền khoảng 2,5 tỉ đồng và chiếm đoạt của nạn nhân.
Còn trước đó, Phòng cảnh sát hình sự (Công an Đà Nẵng) cũng bắt tạm giam Nguyễn Tài, nhân viên Ngân hàng A.B. chi nhánh Đà Nẵng, với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng cũng bằng thủ đoạn dụ người quen cho vay tiền làm đáo hạn.
Theo luật sư Lê Minh Hương - Đoàn luật sư TP.HCM, từ việc đánh vào tâm lý người cho vay muốn có lãi suất cao, thu hồi được tiền vay sớm nên có những trường hợp làm đáo hạn lan vào cán bộ tín dụng.
Những nhân viên ngân hàng kết hợp với các bên tham gia làm đáo hạn. Sau đó, có thể vì mục đích khác nên đưa thông tin gian dối là cần tiền để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng nhưng các cán bộ, nhân viên này đã sử dụng số tiền vay được không đúng mục đích vay ban đầu. Tiếp đó dẫn đến không có khả năng trả nợ hoặc chiếm đoạt luôn số tiền này.
Trường hợp có đủ dấu hiệu của hành vi phạm tội hình sự, các cán bộ, nhân viên ngân hàng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Luật sư Hương cũng cho rằng có những người làm trong ngân hàng lợi dụng vị trí việc làm, "mác" ngân hàng để dễ thuyết phục người cho vay rằng họ làm "đáo hạn". Đây là những chiêu thức khá quen thuộc. Do đó các ngân hàng cần có những giải pháp mạnh tay kiểm soát nhân viên, cán bộ của mình trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra việc thông tin, tuyên truyền quy định pháp luật có liên quan để làm rõ rằng ngân hàng không có chủ trương cho bất kỳ ai làm "đáo hạn" trái luật. Đồng thời cần kiểm soát quy trình, hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên. Xử lý nghiêm khắc, chế tài nặng đối với các hành vi vi phạm...
Luật sư Hương cũng đề cập thêm có thể hiểu hình thức đáo hạn ngân hàng là một hình thức trả tiền vay cho khoản vay cũ đã đến hạn phải trả để sau đó vay lại một khoản vay mới. Theo quy định, ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ.
Trên thực tế có nhiều khoản vay mà người vay đến hạn phải trả do thiếu tiền nên đành phải vay bên ngoài để trả cho ngân hàng. Có nhiều trường hợp chấp nhận vay lãi nặng để có tiền trả cho ngân hàng nhằm tránh bị chuyển khoản nợ quá hạn, tránh lịch sử tín dụng xấu.
Có nhiều người cho vay đáo hạn là bởi họ muốn có lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh và việc vay mượn không có biện pháp bảo đảm...
"Không nên tham gia"
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng cho biết việc cán bộ, nhân viên ngân hàng tham gia góp vốn làm ăn bên ngoài là quyền của họ và luật cũng không cấm. Nhưng vị này cũng nhìn nhận đối với việc vay, mượn, huy động vốn để đáo hạn trong lĩnh vực ngân hàng thì không nên.
"Khi mình đang thực hiện công việc này mà mình lại góp vốn, cho người khác vay hoặc đi vay, mượn để đáo hạn nữa thì không mang tính khách quan, tạo ra xung đột lợi ích. Cho nên nếu là người trong ngành ngân hàng thì không nên tham gia là tốt hơn", vị lãnh đạo này nêu ý kiến.