Chào
Cuối năm đúng là dịp mọi người thường thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng. Không nên đổ tại rượu bia cho những hành động ‘yếu lòng’ của chúng ta nhưng cũng cần thừa nhận, đây là một thực tế, sau những cuộc nhậu cuối năm. Với vị trí của một bác sĩ, chúng tôi muốn đưa ra cảnh báo rằng, ‘đi vui vẻ’ sau khi nhậu có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
Khi uống rượu bia, khả năng kiểm soát hành vi và ra quyết định của chúng ta giảm đi. Điều này có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hoặc tiếp xúc với những bạn tình không rõ tình trạng sức khỏe. Hậu quả là nguy cơ mắc các bệnh như lậu, giang mai, chlamydia, herpes sinh dục, viêm gan B, HIV... tăng lên đáng kể.
Theo bác sĩ, nhóm đối tượng nào thường có nguy cơ cao mắc bệnh trong tình huống này?
Qua thực tế thăm khám của chúng tôi, những người có nguy cơ cao mắc bệnh xã hội chủ yếu là những đối tượng không có ý thức về sự an toàn trong quan hệ tình dục cũng như thiếu những kiến thức cơ bản trong việc bảo vệ cơ thể. Họ có thể là những người có nhiều bạn tình, người không sử dụng bao cao su khi quan hệ, người không hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bạn tình... Ngoài ra, người tham gia dịch vụ mại dâm hoặc có quan hệ với các đối tượng này cũng có nguy cơ cao hơn.
Như trên đã nói, chúng ta không đổ tại rượu bia khiến con người bị ‘mất lý trí’ trong hành động thế nhưng cần phải thừa nhận là những người sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích, làm giảm khả năng đưa ra quyết định đúng đắn.
Bác sĩ có thể chia sẻ những triệu chứng thường gặp sau khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục không?
Một số bệnh có thể có triệu chứng rõ ràng, trong khi một số khác có thể diễn ra âm thầm. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: Dịch tiết bất thường từ âm đạo hoặc dương vật; Đau rát khi đi tiểu; Xuất hiện mụn nước, loét hoặc nốt đỏ ở vùng sinh dục; Ngứa hoặc kích ứng vùng kín; Đau khi quan hệ tình dục.
Đi khám ngay lập tức tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xét nghiệm nếu bạn nghi ngờ mình đã quan hệ tình dục không an toàn. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng. Nhiều bệnh như chlamydia hoặc nhiễm HIV giai đoạn đầu có thể không biểu hiện rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh là 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày. Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng không rõ, biểu hiện ra dịch niệu đạo nhưng không nhiều và màu trong, một số trường hợp không có triệu chứng. Tuy nhiên, dù có hay không có triệu chứng mà không được điều trị thì đều có thể xảy ra biến chứng.
Nếu lỡ rơi vào tình huống này, người bệnh nên làm gì để bảo vệ bản thân?
Nếu bạn nghi ngờ mình đã quan hệ tình dục không an toàn sau khi nhậu, hãy thực hiện các bước sau:
Đi khám ngay lập tức tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và xét nghiệm.
Nếu phát hiện triệu chứng, hãy tránh quan hệ tình dục để không lây bệnh cho người khác.
Thông báo với bạn tình của bạn để họ cùng kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.
Trong trường hợp nguy cơ nhiễm HIV cao, có thể sử dụng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) trong vòng 72 giờ.
Làm sao để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trong những dịp tương tự, thưa bác sĩ?
Ngăn ngừa luôn là cách tốt nhất. Một số lời khuyên tôi muốn gửi đến mọi người:
Hạn chế sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích ở mức vừa phải để giữ tỉnh táo.
Nếu có quan hệ tình dục, hãy luôn sử dụng bao cao su, đây là biện pháp bảo vệ đơn giản và hiệu quả nhất.
Xét nghiệm định kỳ nếu bạn có nguy cơ cao hoặc quan hệ với nhiều bạn tình.
Tiêm vaccine phòng các bệnh như viêm gan B, HPV.
Cuối cùng, hãy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định liên quan đến sức khỏe của mình, đặc biệt là trong những tình huống ‘vui vẻ’ nhất thời.
Cảm ơn bác sĩ vì những chia sẻ vô cùng hữu ích. Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho mọi người trong dịp cuối năm này không?
Dịp cuối năm là thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống, nhưng sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất. Hãy biết tự bảo vệ mình, duy trì lối sống lành mạnh, và đừng quên rằng chỉ một lần bất cẩn có thể để lại hậu quả lâu dài. Chúc mọi người có một năm mới an lành và hạnh phúc!