Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần qua, thành phố có gần 779 ca mắc bệnh TCM, trung bình 4 tuần là 360 ca. Trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.
Từ đầu năm, có 3.700 ca mắc bệnh TCM là trẻ em. Ngoài bệnh tại thành phố, các bệnh viện trên địa bàn còn tiếp nhận, điều trị nhiều trẻ mắc TCM được chuyển đến từ các tỉnh, trong đó hầu hết là nhóm bệnh nặng. Hiện phòng cấp cứu thuộc khoa Nhiễm tại các bệnh viện nhi đồng đã bắt đầu quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép.
Trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng phải hỗ trợ thở máy tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ảnh: Vân Sơn |
Để ứng phó với tình trạng bệnh TCM gia tăng nhanh, Sở Y tế TPHCM đã lên phương án phân tầng điều trị, tập huấn công tác chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở và các cơ sở y tế tư nhân. Sở Y tế giao cho 3 bệnh viện nhi đồng cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là các bệnh viện tuyến cuối trong điều trị bệnh TCM chuẩn bị sẵn giường bệnh, trang thiết bị, thuốc ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc điều trị đang gây ra khó khăn cho công tác chuyên môn trong việc cứu chữa các ca bệnh nặng. Theo bà Quỳnh Như, hầu hết các thuốc cần cho việc điều trị TCM đang được đáp ứng, riêng 2 loại thuốc sử dụng cho bệnh TCM phân độ nặng sẽ gặp khó khăn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng và kéo dài. Đó là Immunoglobulin và Phenobarbital (dạng tiêm).
Theo Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm, 20 tỉnh thành khu vực phía Nam đã ghi nhận khoảng 12.000 trẻ mắc bệnh TCM, trong đó có 7 ca tử vong. Tỷ lệ virus EV71 đang chiếm ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng và hầu hết bệnh nhân tử vong do loại virus này gây ra. Virus EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS.Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cho biết, sau đại dịch COVID-19 đã xuất hiện khái niệm “trả nợ miễn dịch” đối với các bệnh truyền nhiễm, với các tác nhân như Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi. Đáng lưu ý nhất hiện nay là bệnh TCM đang tăng rất nhanh tại các tỉnh phía Nam và có xu hướng lan rộng ra miền Trung và miền Bắc.
Nguyên nhân của tình trạng “trả nợ miễn dịch” là do sau một thời gian dài phải thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch COVID-19, trẻ phải ở trong nhà, ít tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Trong thời gian dài sống trong môi trường sạch bệnh, khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên ở trẻ kém đi. Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, mọi sinh hoạt cộng đồng đã trở lại bình thường. Khi trẻ hòa nhập vào các hoạt động xã hội, tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nhưng khả năng miễn dịch của cơ thể ở mức thấp sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
BS Hữu Khanh cho rằng, nếu trước đây, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thì trong đợt dịch này, nguy cơ mắc bệnh của nhóm trẻ lớn hơn cũng ở mức cao. Nhóm trẻ từng mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây thì vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại. Ngoài những trẻ chưa mắc TCM có nguy cơ nhiễm bệnh ở mức cao, nhóm trẻ tái nhiễm sẽ tăng thêm áp lực lên hệ thống điều trị.
Bảy đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng
Ngày 30/6, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế kí quyết định về việc thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trong tháng 6 và 7. Những đoàn này làm việc với Sở Y tế tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Các đoàn kiểm tra các nội dung sau: triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống dịch bệnh năm 2023; công tác chuyên môn về dự phòng: giám sát xử lí ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng, rửa tay bằng xà phòng, vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch; đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết thời gian tới.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, đại diện lãnh đạo Cục Quản lí Dược cho biết, ngày 23/6, đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện. Tuy nhiên, do tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.
Hà Minh