Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, cuộc chiến chống
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị sáng ngày 23/5.
"Giờ người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái", bộ trưởng Đào Hồng Lan nói và nhấn mạnh vai trò then chốt của ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hậu kiểm, cũng như nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm y tế.
Không có vùng cấm trong xử lí hàng giả
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra hơn 400 cơ sở, xử phạt 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 23,7 tỉ đồng. Trong năm 2024, lĩnh vực dược phẩm, mĩ phẩm và dược liệu chứng kiến hơn 260 cuộc kiểm tra từ các cục chuyên môn và thanh tra Bộ, xử lí hành chính 46 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỉ đồng.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã chuyển 31 vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả cho cơ quan công an điều tra. Tại Thanh Hóa, phối hợp giữa Sở Y tế và lực lượng công an đã dẫn đến việc triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn trong các năm 2024–2025.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Y tế là kiên quyết xử lí nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trong lĩnh vực y tế, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác hậu kiểm tại nhiều địa phương. “Việc triển khai hậu kiểm chưa nghiêm, nhiều nơi chưa báo cáo hoặc thiếu phối hợp khi phát hiện khó khăn”, bà Lan nói, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố nâng cao vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong quản lí.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hai nghị định mới liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lí nhà nước, trong đó định hướng “phân cấp tối đa cho địa phương”, Bộ tập trung ban hành văn bản pháp lí và hướng dẫn.
![]() |
Cơ quan chức năng thu giữ hàng giả. |
Thị trường thương mại điện tử: “mặt trận nóng"
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng lưu ý về thách thức quản lí sản phẩm y tế trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. “Nếu không kịp thời chấn chỉnh, đây sẽ là kẽ hở lớn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân”, Tư lệnh ngành cảnh báo.
"Nếu chúng ta không kịp sớm chấn chỉnh, đây cũng là nội dung khó khăn cho quản lí, đặc biệt lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến 3 bộ cùng quản lí, việc buôn bán sản phẩm liên quan đến nhiều công đoạn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương trong chia sẻ dữ liệu, điều tra các vụ việc, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân có thể nhận diện và cảnh giác với hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế thừa nhận công tác quản lí thuốc, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế hiện còn nhiều bất cập. Trong đó, nổi bật là tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại để sản xuất hàng giả; hoạt động kinh doanh trực tuyến khó kiểm soát; công tác thanh tra, kiểm nghiệm ở tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Chỉ thị 13/CT-TTg, các Công điện số 40, 41, 55 và 65, được Bộ Y tế cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động. Nổi bật là Kế hoạch số 614/KH-BYT thực hiện Công điện 41 và 55; Quyết định 1703/QĐ-BYT triển khai Công điện 65 và Chỉ thị 13.
Bộ Y tế cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc. Cục Quản lí Dược là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của Tổ công tác trong đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt, từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, các Cục chuyên môn đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra đột xuất trên toàn quốc nhằm siết chặt quản lí hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lí về an toàn thực phẩm; siết quản lí việc đăng ký, quảng cáo, lưu hành sản phẩm – đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm soát chặt hoạt động công bố và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là trên sàn thương mại điện tử; đồng thời nâng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực y tế.

