Bác sĩ Khúc Thừa Minh – Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết đó là trường hợp của ông V.Y, 77 tuổi ở TP HCM. Ông Y được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo nhưng tê và yếu nửa người bên trái, méo miệng. Ngay khi tiếp xúc bệnh nhân, các bác sĩ đã nhận định ông Y bị đột quỵ, cần cấp cứu khẩn cấp.
Ngay lập tức bệnh viện đã kích hoạt Đơn vị Đột quỵ, thực hiện khẩn cấp các quy trình lâm sàng và cận lâm sàng: XN máu, chụp CT SCan sọ não.... Kết quả đánh giá cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ thứ nhất và nhanh chóng được chỉ định điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Đây là phương pháp dùng thuốc để làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não. Thuốc giúp phục hồi lưu thông dòng máu trở lại, cung cấp máu cho các tế bào não nằm trong vùng bị thiếu máu. Nhờ đó người bệnh tránh được các di chứng tàn phế và phục hồi nhanh chóng.
Bác sĩ Khúc Thừa Minh chia sẻ: “Ưu điểm của điều trị tiêu huyết là giúp tái thông mạch máu của bệnh nhân bằng thuốc, nhất là đối với những trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp, không phải do tắc các nhánh động mạch não lớn trong thời gian vàng ( ≤ 4,5 giờ, kể từ khi khởi phát triệu chứng). Điều đặc biệt của trường hợp này là gia đình nhận biết được rất nhanh các dấu hiệu bất thường. Họ đưa bệnh nhân đến bệnh viện rất nhanh, khi đến bệnh viện vẫn còn trong giờ thứ nhất kể từ lúc khởi phát triệu chứng.”
Từ lúc tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện đến khi dùng thuốc chỉ mất 25 phút nên tình trạng yếu liệt của người bệnh phục hồi khá nhanh dù bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh nền đái tháo đường type 2. Trong khi đó, tiêu chuẩn chung của thế giới về quy trình điều trị thuốc tiêu sợi huyết là không quá 60 phút tính từ lúc vào viện. Và sau 3 ngày nhập viện, tích cực điều trị và theo dõi sát tại Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn, bệnh nhân Y đã hồi phục hoàn toàn, không còn yếu nửa người trái và xuất viện.
Bác sĩ Khúc Thừa Minh kiểm tra tình hình bệnh nhân trước khi cho xuất viện. |
“Tôi cảm ơn các bác sĩ đã hoán đổi định mệnh cho tôi, giúp tôi sống thêm vài năm nữa. Tôi cũng đi rất nhiều bệnh viện và thấy bệnh viện này cũng không thua các bệnh viện lớn của TP HCM. Các bác sĩ và nhân viên y tá rất nhiệt tình, cứ 15 – 20 phút thì tới thăm tôi một lần, chứ không phải khám bệnh tiêm thuốc xong rồi thôi.” – Ông V.Y, chia sẻ.
Theo bác sĩ Khúc Thừa Minh, khi phát hiện người đột quỵ, chúng ta cần biết sơ cứu bệnh nhân đúng cách như đỡ người bệnh để họ không bị té ngã và nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất. Trong thời gian chờ cấp cứu đến, chúng ta không được tự ý xử trí gì trên bệnh nhân như: bấm huyệt, châm cứu, chích nặn máu ở các đầu ngón tay, ngón chân. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc hạ huyết áp hoặc các thuốc chống đông máu cũng như cho bệnh nhân ăn uống nếu không có sự cho phép của bác sĩ.
Các bác sĩ đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn tặng quà, chúc mừng bệnh nhân xuất viện. |
Được biết, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn là một trong các bệnh viện có nhiều kinh nghiệm và chuyên khoa sâu về điều trị đột quỵ tại khu vực Quận 12, Tân Bình, Gò vấp, Huyện Hóc Môn, …..
"Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn đóng vai trò quan trọng trong việc kiện toàn mạng lưới Cấp cứu Đột quỵ của TP, bà con khu vực phía Tây Thành phố như Q12, H.Hóc môn,.. có thêm địa điểm đáng tin cậy để được điều trị Đột quỵ kịp thời trong khoảng thời gian vàng quý giá." - BS CKI Lê Duy - Trưởng phòng KHTH cho biết.