Hồi hộp chờ… cắt điện
Tối 5/6, nhận thông báo chung cư cắt điện đột xuất từ 8h - 14h hôm sau, Ngọc Linh (27 tuổi, quận Hai Bà Trưng) vội vã gọi điện khắp nơi, tìm người sửa gấp quạt tích điện bị hỏng từ lâu.
"May mắn sau 30 phút, một thợ điện đã nhận làm, tôi mới thở phào nhẹ nhõm", cô kể.
Chiếc quạt công suất nhỏ, chỉ đủ dùng vài tiếng. Vợ chồng trẻ nhanh chóng ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua thêm quạt giấy. Họ dự định khi nào thiết bị hết điện, sẽ thay phiên quạt tay cho con gái một tuổi.
Không riêng Ngọc Linh, các cư dân bàn tán xôn xao trong nhóm chung cư. Việt Anh (30 tuổi) nói vừa từ quê Nam Định lên Hà Nội, mang theo nhiều thực phẩm tươi sống chất đầy tủ lạnh, giờ không biết xử lý thế nào.
"Tôi tính... "sơ tán" tủ lạnh sang nhà người quen hoặc mua thùng xốp kèm đá lạnh để bảo quản tạm thịt, cá trong 6 tiếng mất điện", người đàn ông băn khoăn.
Anh kiến nghị chung cư chạy máy phát điện để mỗi căn hộ duy trì một quạt và một tủ lạnh. Tuy nhiên, Ban quản lý tòa nhà cho biết nguồn điện này chỉ đủ phục vụ nhu cầu chung, gồm thang máy, camera an ninh, đèn chiếu sáng hành lang và tầng hầm.
Những ngày Hà Nội cắt điện, người dân "trốn" nóng tại các trung tâm thương mại (Ảnh: M.N.). |
Nghe tin mất điện, chị Nguyễn Trang (34 tuổi) bàn với chồng đưa mẹ già và hai con nhỏ ra khách sạn hoặc trung tâm thương mại "tránh" nóng, chờ chung cư cấp điện trở lại.
"Chúng tôi cảm thông tình trạng cắt điện chung những ngày qua, cảm thấy may mắn được báo trước để kịp chuẩn bị", chị nói.
8h ngày 6/6, toàn bộ cư dân hồi hộp chờ… mất điện. Một, hai tiếng sau, nguồn điện vẫn ổn định, không bị cắt như kế hoạch ban đầu, họ vừa mừng vừa lo.
Ngồi trong khách sạn, gia đình chị Trang được hàng xóm báo tin "không mất điện", vội thu gom đồ đạc về chung cư. Anh Việt Anh cũng từ cơ quan sang nhà người thân, "tay xách nách mang" thùng thực phẩm đông lạnh về nhà.
"Tôi hoang mang và lo lắng, không biết có bị cắt điện "bù" vào khung giờ khác không", anh nói.
Đến 17h, khi đã quá khung thời gian cắt điện, Ban quản lý chung cư cho biết chưa nhận được thông báo tiếp theo từ công ty điện lực, khuyến cáo người dân chủ động sinh hoạt.
Nhiều chung cư cắt điện đột ngột, máy phát chưa kịp vận hành để chiếu sáng các khu vực chung (Ảnh: M.N.). |
Kẹt thang máy do chung cư mất điện đột ngột
Đang ngồi làm việc tại nhà, điện bỗng tắt ngúm, anh Nguyễn Quý (28 tuổi, quận Hà Đông) ngán ngẩm: "Hai ngày trước vừa cắt điện đột ngột, nay lại tiếp tục".
Anh nhận được thông báo từ Ban quản lý tòa nhà, cho biết công ty điện lực tiết giảm phụ tải khẩn cấp nên cắt điện diện rộng, dự kiến đến 24h cùng ngày. Ban quản lý đã chuẩn bị đủ dầu để chạy máy phát điện, đảm bảo thang máy và ánh sáng hành lang.
Máy phát điện chưa kịp hoạt động, thang máy chung cư đã dừng khẩn cấp. Hàng xóm của anh Quý bị mắc kẹt bên trong, hoảng hốt gọi điện cầu cứu. Mọi người liên tục trấn an, dặn người phụ nữ bình tĩnh, đợi kích hoạt máy phát. Sau 15 phút, chị được "giải cứu" ra ngoài an toàn.
"Như lần cắt điện trước, tôi mở cửa các phòng và ban công, lau ướt sàn nhà cho thoáng mát", anh Quý nói, chọn ở nhà để theo dõi tình hình điện, trong khi bố mẹ và vợ "sơ tán" ra quán cà phê.
Nhiều cư dân nháo nhào trước tình trạng mất điện đột ngột (Ảnh: M.N.). |
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết theo tiêu chuẩn thiết kế và nghiệm thu, một tòa nhà trước khi được đưa vào sử dụng buộc phải có trạm phát điện dự phòng.
Nguồn điện này được thiết lập tự động hoặc do con người vận hành, sẵn sàng ứng phó trong những sự cố mất điện, phục vụ ưu tiên cho nơi công cộng như thang máy, hệ thống chiếu sáng,…
Đại diện Ban quản lý một chung cư ở quận Hoàng Mai cho hay thường xuyên theo dõi tình hình cắt điện trên địa bàn để kịp thời thông báo đến cư dân.
Đơn vị đã tập dượt tình huống tòa nhà bị cắt điện. Nếu có thông báo từ cơ quan chức năng, họ sẽ nhanh chóng thông báo đến toàn bộ cư dân thông qua nhiều kênh mạng xã hội, loa phát thanh, bảng tin,…
"Chúng tôi sẽ họp khẩn cấp triển khai công việc vận hành tòa nhà nếu xảy ra sự cố mất điện, chạy thử kiểm tra máy phát điện, bố trí nhân sự trực các vị trí quan trọng. Đơn vị cũng thường xuyên khuyến cáo người dân chủ động trong sinh hoạt", vị đại diện cho hay.
Sản lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội từ ngày 1 - 6/6 (Ảnh: M.N. - Nguồn: EVN Hà Nội). |
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), lượng điện tiêu thụ trung bình/ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh và tháng 5 là 75.406 triệu kWh. Bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4.
Trong tháng 6, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục. EVN Hà Nội dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện quốc gia sẽ tiếp tục có thể còn tăng cao hơn trong các ngày tới.
"Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo cung ứng điện phục vụ người dân. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp", EVN Hà Nội thông tin.
Để tránh tình trạng quá tải điện chung cư, anh Quý cho biết đã hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào giờ cao điểm, bật điều hòa từ 26 độ C trở lên, không đặt nhiệt độ tủ lạnh quá thấp, hạn chế số lần mở tủ lạnh, bảo dưỡng các thiết bị làm mát,…
Sau hai lần hứng chịu cắt điện đột ngột, người đàn ông bàn bạc với vợ mua quạt tích điện cỡ lớn giá gần 2 triệu đồng.
"Chúng tôi sẵn sàng ứng phó trong những ngày cắt điện đột ngột tiếp theo", anh nói.
Còn Ngọc Linh cho biết tối 7/6 tiếp tục nhận được thông báo cắt điện chung cư 6 tiếng sau lần "hụt" hôm 6/6. "Tôi không biết lần này có mất điện thật hay không, nhưng cũng đã chuẩn bị mọi kịch bản", cô cho hay.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/cat-dien-hut-dan-chung-cu-ha-noi-roi-vao-canh-do-khoc-do-cuoi-20230607204726424.htm?