Tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng. Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 - 35.000ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn.
Những năm gần đây, nhất là khi quả sầu riêng tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (thị trường tiêu thụ sầu riêng chính của Việt Nam), doanh thu xuất khẩu của ngành hàng này luôn đạt mốc tỷ đô la.
Nhờ cây sầu riêng, nhiều nông dân đổi đời, xây được nhà to, sắm ô tô… Như ở huyện Krông Pắc - thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, sau 2 vụ thu hoạch sầu riêng (năm 2022, 2023), người dân đã sắm hàng nghìn chiếc ô tô. Thậm chí có nông dân trở thành tỷ phú chân đất nhờ sầu riêng.
Như chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 1987, trú thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc), từ một nông dân tay trắng trở thành nữ tỷ phú nhờ trồng, kinh doanh sầu riêng. Năm 2022, chị Thảo được trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Nông dân vui mừng khi sầu riêng được giá |
Hiện nông dân tiếp tục có thêm cơ hội đổi đời khi hồi tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch (huyện Krông Pắc) cho hay, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông mở ra một hướng mới, một cơ hội lớn cho những người làm sầu riêng.
Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch có 196ha sầu riêng, sản lượng hằng năm đạt trên nghìn tấn. Để nắm bắt cơ hội này, các thành viên của HTX đều canh tác theo hướng hữu cơ và một số diện tích đã ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Tham gia vào lĩnh vực chế biến sầu riêng cấp đông từ năm 2022, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk) cho biết cấp đông sẽ bảo quản sản phẩm lâu hơn, mang lại giá trị và sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh là cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh với các nước trồng sầu riêng khác. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cấp đông, sầu riêng cần được kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến nhà xưởng.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chia sẻ, địa phương đã sẵn sàng đáp ứng các điều kiện phục vụ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường “tỷ dân”. Khi Nghị định thư có hiệu lực, chính quyền huyện sẽ cùng với các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mục tiêu đặt ra không chỉ đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu cấp đông múi sầu riêng mà còn cấp đông quả tươi theo quy định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông, tập trung tại một số huyện như Krông Pắc, Cư M’gar, TX Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột…, với tổng công suất 3.170 tấn.
Sầu riêng được kiểm tra trước khi cắt |
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc, đặt ra nhiều yêu cầu: Kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các cơ sở chế biến cần nâng cấp dây chuyền sản xuất, trang bị thiết bị đo lường, đảm bảo chất lượng tốt nhất theo yêu cầu của bên nhập khẩu.
“Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức hội nghị, mời các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu trong ngành hàng sầu riêng để làm rõ hơn các nội dung của Nghị định thư. Sở sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm tập kết, các kho hàng bến bãi và đặc biệt là sơ chế cấp đông”, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Sầu riêng đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ... Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 – 35.000ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn.