Tôi đã thi bằng lái B2 và đã đậu, tuy nhiên, việc cấp bằng lại bị chậm so với thời gian quy định. Vậy tôi có thể lái xe hoặc khiếu nại vì việc cấp bằng chậm hay không?
Bạn đọc N.M.T (********4274gmail.com) gửi câu hỏi tư vấn.
Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về cấp bằng lái B2 trễ hạn:
1. Thời hạn và việc chậm cấp giấy phép lái xe (bằng lái):
Thời hạn cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch và trả giấy phép lái xe sau khi người đạt kết quả kỳ sát hạch đã hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe (theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bổ sung bởi khoản 26 điều 4 Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT)
Đơn vị có lỗi dẫn đến việc chậm cấp giấy phép lái xe phải chịu trách nhiệm, có 2 quan hệ pháp luật trong trường hợp này:
Thứ nhất, quan hệ pháp luật dân sự giữa cơ sở đào tạo lái xe và người học lái xe thông qua việc ký hợp đồng đào tạo lái xe.
Thứ hai, quan hệ pháp luật hành chính trong việc cấp Giấy phép lái xe:
- Tổng cục đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (quy định tại điều 29 Thông tư số 12/2017/TT-BGTV).
Do đó, anh làm văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe cung cấp thông tin về việc chậm cấp giấy phép lái xe. Khi có được văn bản phản hồi về việc chậm cấp thì sẽ biết được đơn vị nào có lỗi dẫn đến việc chậm cấp giấy phép lái xe.
- Nếu lỗi dẫn đến việc chậm cấp Giấy phép lái xe do cơ sở đào tạo lái xe thì anh có thể yêu cầu cơ sở đào tạo thực hiện các bước cần thiết để cấp giấy phép, nếu không thực hiện thì có thể khởi kiện dân sự yêu cầu thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
- Nếu lỗi dẫn đến việc chậm cấp Giấy phép lái xe là do đơn vị cấp giấy phép thì tùy thuộc vào nguyên nhân khách quan hay chủ quan mà anh có thể kiến nghị hoặc khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính gửi đến các đơn vị này để được xem xét giải quyết. Kèm theo đơn là các giấy tờ liên quan như: Hợp đồng đào tạo lái xe, Phiếu nộp tiền, Giấy hẹn lấy giấy phép lái xe, Biên bản sát hạch…
Báo Tuổi trẻ đã đưa tin về việc thiếu phôi bằng lái và Cục Đường bộ đã mở gói thầu nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chậm cấp Giấy phép lái xe. Đây có thể được xem là nguyên khách quan dẫn đến việc chậm cấp giấy phép lái xe trong thời gian qua.
2. Điều khiển phương tiện giao thông khi không có giấy phép lái xe:
Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định và có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái (theo quy định tại khoản 1 điều 58 Luật giao thông đường bộ).
Như vậy, khi điều khiển phương tiện giao mà không có giấy phép lái xe phù hợp là vi phạm pháp luật.
Các loại giấy tờ khác như: Giấy hẹn lấy giấy phép lái xe, Biên bản sát hạch… không được xem là giấy tờ có thể thay thế Giấy phép lái xe.
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].