Màn tiêm vắc-xin cho “chúa sơn lâm”
Chúng tôi đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) lúc 9 giờ sáng. Rảo bước cùng các nhân viên trung tâm tới khu vực chuồng hổ, tôi khấp khởi vì hôm nay là ngày tiêm vắc-xin phòng các bệnh bạch cầu, hô hấp… cho những “chúa sơn lâm”. Có thể, chúng tôi sẽ được chứng kiến chúa tể núi rừng “ngoan như cún” dưới bàn tay của các nhân viên y tế.
Nhưng màn tiêm vắc xin không êm đẹp như tưởng tượng. Công đoạn này thực ra phải nói là “thổi” vắc-xin mới đúng. Bơm kim tiêm chứa vắc-xin được đặt trong các ống nhựa dài khoảng 1-1,5 mét. Khi thổi mạnh vào đầu ống, kim tiêm sẽ bay ra, găm vào mình hổ. Việc này không khác động tác thổi phi tiêu của thổ dân là mấy. Ở đầu mũi tiêm gắn một miếng cao su nhỏ để kim tiêm không cắm quá sâu vào mình hổ, để khi ghim vào người hổ rồi, nó chỉ cử động nhẹ, kim tiêm sẽ tự rơi ra.
Anh Nguyễn Duy Hải - một bác sĩ của trung tâm - đi đến chuồng của ba con hổ tên Châu, Vòng và Kara. Anh kê một ống nhựa lên thành chuồng, miệng ghé sẵn đầu ống, mắt ngắm nghía kỹ càng, chỉ chờ mục tiêu vào tầm ngắm là thổi. Châu lừng lững tiến tới. Cái ống nhựa chắc làm nó nhớ về khẩu súng bắn thuốc mê của đám thợ săn. Mắt Châu vằn lên những tia hung dữ, cái hàm tử thần há rộng, nhe ra cặp răng nanh như hai chiếc dao găm. Châu đã “bật” trạng thái sát thủ.
Nhưng anh Hải vẫn nhìn thẳng vào mắt con mãnh thú, miệng phồng lên, chuẩn bị thổi một cú “chốt hạ”. Bất chợt, Châu gầm lên, bật mạnh hai chân sau, bổ nhào tới. Nhanh như cắt, anh Hải rụt tay, chân lùi lại hai bước, vừa đủ để né cú vả chết người của nó. “Rầm!”, thành chuồng rung lên bần bật. Trong chuồng, Vòng và Kara đang gây gổ với nhau vì căng thẳng. Những tiếng gầm đinh tai nhức óc làm “kẻ ngoại đạo” như tôi gần như chết sững.
Loay hoay mãi mà anh Hải chưa thổi được phát kim tiêm nào trúng đích. Lũ hổ nhanh và “tỉnh” quá, đối đầu một - một không hiệu quả nên phải thay đổi chiến thuật. Một người lẻn sang phía đối diện anh Hải, giương lên một cái ống nhựa khác để đánh lạc hướng Châu. Nó quay lại, lầm lì tiến tới, miệng gầm gừ. Chỉ chờ có vậy, anh Hải giương ống nhựa của mình lên, thổi mạnh. “Bụp!”, kim tiêm đã dính lủng lẳng trên da của Châu. Cái bóng vằn vện lại gầm lên rồi lao tới, nhưng anh Hải đã lùi ra xa từ bao giờ. “Sao? Thấy sợ không?”, anh quay lại nhìn tôi, cười. Tôi lắc đầu, nhưng miệng thì méo xệch.
Với chiến thuật tương tự, họ lần lượt tiêm vắc-xin cho những cá thể hổ còn lại rồi di chuyển tới khu vực khác. Vài phút sau khi tiêm, những con hổ lại nằm ườn ra, mắt lim dim, trở về với vẻ lười biếng hàng ngày.
Những ca bệnh nặng
Theo anh Nguyễn Đức Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, gần như toàn bộ 519 cá thể tại trung tâm đều là tang vật của những vụ án săn, bắt, nuôi, nhốt ĐVHD trái phép. Vì vậy, hầu như cá thể nào cũng mang bệnh trong người trước khi về đến trung tâm. Cũng không ngoa khi gọi đây là “bệnh viện đa khoa” lớn nhất Việt Nam của ĐVHD. Chẳng hạn như các cá thể gấu ngựa mang cái bụng chi chít sẹo sau hàng trăm lần bị hút mật, hay bị cắt cụt chi để phục vụ những kẻ có khẩu vị khác thường. Hay những cá thể hổ, rắn, tê tê… bị tiêm vào người đủ mọi hoá chất tăng trọng độc hại.
Nhân viên của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đang lắp đặt đồ làm giàu trong chuồng khỉ |
Với 32 con người ở trung tâm, thật khó để gọi họ bằng một chức danh cụ thể. Bởi, dù là nhân viên hay lãnh đạo, họ có thể làm được rất nhiều việc, từ xây dựng, trang trí, làm giàu (đưa các đồ vật, cấu trúc vào nơi nuôi nhốt để tạo điều kiện cho động vật vận động, sinh hoạt như ngoài tự nhiên), vệ sinh chuồng trại đến cho ăn, chữa bệnh, tái thả động vật. Toàn bộ 73 loài tại trung tâm là 73 cách nuôi dưỡng và xây dựng, làm giàu chuồng trại khác nhau.
Theo anh Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, đáng nhớ nhất có lẽ là những lần cả đoàn đi rừng để tái thả rùa đầu to. Với loài này, họ phải tái thả ở những thác nước, khe suối hiểm trở và kín đáo nhất trong rừng để tránh bị săn bắt trở lại. Không chỉ vậy, theo anh Minh, mỗi cá thể rùa phải được tái thả ở những nơi tách biệt vì chúng sẽ đánh nhau nếu ở chung. Thế nên mới có những chuyến, họ phải “cắm rừng” vài ngày, bất kể nắng mưa, khi về bị lên cơn sốt đến chục ngày vẫn chưa dứt. Nhưng vừa khỏi sốt, họ lại xách ba lô, võng, túi ngủ… lên đường.
Với bác sĩ Trịnh Thị Thu Hằng, hổ lại là loài vật đáng yêu nhất. “Cứ nghe thấy tôi gọi là chúng chạy ra, dụi đầu vào thành chuồng, khụt khịt mũi để đòi được “nựng””, chị Hằng kể. “Có lần, sau khi cắn xé mấy chiếc lốp xe làm đồ chơi trong chuồng, răng nanh của con Vòng bị mắc kẹt một mảng lốp lớn. Thông thường, chúng tôi phải gây mê để lấy dị vật ra. Nhưng Vòng đã tự đi tới sát thành chuồng, nghếch mõm lên, nhe răng ra để tôi thò tay vào rút mảng lốp. Ai cũng trố mắt ra nhìn!”.
Tiêm vắc-xin cho hổ - công việc không dành cho người yếu tim |
Ngừa thai cho thú hoang
Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, điển hình nhất là quỹ đất hạn chế. Hiện tại, trung tâm chỉ có thể nuôi nhốt thú trong những chuồng trại khép kín và nhỏ hẹp vì quỹ đất chỉ vỏn vẹn 1 héc-ta. Diện tích đó là quá nhỏ để đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hơn 500 cá thể ĐVHD, nhất là những loài thú lớn như hổ, gấu... Các không gian bán hoang dã rộng lớn mới là môi trường nuôi nhốt phù hợp với chúng.
“Có rất nhiều cá thể nằm trong diện phải nuôi trọn đời, không thể tái thả bởi nhiều lý do: sức khoẻ không đảm bảo, không tìm được môi trường sống phù hợp và an toàn, chủ rừng từ chối nhận… Riêng với một số loài như hổ và gấu, chúng tôi luôn tách riêng các cá thể đực, cái, thậm chí còn đặt que tránh thai cho chúng để ngăn việc sinh sản, vì điều kiện ở đây không cho phép”, anh Minh nói.
Ngày 31/10/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mở rộng diện tích Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội lên 12ha. Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn đồng ý về nguyên tắc mở rộng diện tích trên. Tháng 4/2022, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua dự án này. Nhưng hơn một thập kỷ qua, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội vẫn luôn mong tin vui này sẽ sớm được chuyển hóa thành những hành động cụ thể…