Ùn ứ ở cửa ngõ
Quốc lộ 13 là tuyến huyết mạch từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước đến TPHCM. Quốc lộ 13 đi qua tỉnh Bình Dương đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe. Tuy nhiên, đoạn qua TPHCM vẫn chưa được mở rộng, xảy ra ùn tắc giao thông. Theo ghi nhận của PV, vào giờ cao điểm sáng mỗi ngày, dòng phương tiện lại ken đặc trên quốc lộ 13, đoạn qua phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức hướng về trung tâm thành phố. Người dân phải nhích từng chút một để di chuyển, nhiều phương tiện phải luồn lách lên vỉa hè.
Ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: H.H |
Quốc lộ 13, đoạn qua TPHCM (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu), trước đây thuộc dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu, việc triển khai các công trình, trong đó có kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 theo hình thức BOT cũng phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, vì lý do ngân sách còn hạn chế, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho phép TPHCM thực hiện hợp đồng BOT với dự án mở rộng Quốc lộ 13 cùng 5 dự án khác. Nếu được thông qua cơ chế, TPHCM sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện các dự án trên theo hình thức BOT.
Trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách thành phố không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, Sở GTVT TPHCM đề xuất được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu.
Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua, vốn bố trí cho phát triển hạ tầng giao thông là 52.744 tỷ đồng, chỉ đạt gần 20% so với tổng nhu cầu. Vì vậy, các dự án trên vẫn chưa thể được bố trí vốn để thực hiện. Do đó, Sở GTVT đề xuất huy động thêm nguồn lực khác ngoài ngân sách để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông mang tính cấp bách.
Sở GTVT cho rằng, việc xem xét thực hiện các dự án BOT nói trên không làm thay đổi thủ tục hành chính theo quy định do chỉ mở rộng đối tượng áp dụng hình thức hợp đồng BOT theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phạm vi áp dụng nội dung cơ chế, chính sách chỉ xác định ở TPHCM. Trường hợp cơ chế thí điểm được áp dụng hiệu quả trên địa bàn TPHCM sẽ là mô hình được nhân rộng và sẽ là cơ sở cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Kỳ vọng
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, cho rằng sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông tại TPHCM hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông khiến chi phí vận tải, logistics gia tăng, tình trạng ùn tắc giao thông đang kìm hãm nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Theo ông Trình, nguyên nhân khiến hạ tầng giao thông chưa được phát triển là thiếu vốn, thiếu kinh phí. “Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì việc huy động, sử dụng nguồn lực xã hội để phát triển dự án hạ tầng giao thông là hoàn toàn hợp lý. Do đó, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM đang được trông chờ”- ông Trình nói.
TPHCM đề xuất cơ chế mới để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT. Điểm mới trong cơ chế này là đề xuất Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc tiền ngân sách trả chậm với dự án BT. Một dự án khi thực hiện không phải là nhanh, tiền tích luỹ từ ngân sách để lại đủ để thanh toán cho BT theo từng phần, từng năm. Do đó, tôi thấy thực hiện theo hình thức BT sẽ khả quan hơn”, ông Trình nêu ý kiến.