Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ: Cơ hội tái định vị hàng Việt Nam tại thị trường EU

Admin

Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ tuy là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đơn hàng ngắn hạn; chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng – bền vững – truy xuất nguồn gốc...

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố một loạt thuế quan "đối ứng" quy mô lớn đối với hàng nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia.

Việt Nam bị áp thuế ở mức cao 46%, cùng nhóm với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar... Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng chịu mức thuế 20%.

Các mức thuế này dự kiến có hiệu lực ngay trong tuần tới và đang tạo ra những hiệu ứng lan rộng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Ngay sau công bố thuế quan, đồng USD giảm giá mạnh, do lo ngại chính sách này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hiện đã tiến tới mức thuế suất hiệu quả cao nhất kể từ thập niên 1940, kéo theo hệ lụy: Lạm phát lõi có thể lên tới 2,3% trong năm 2025; sức mua và tiêu dùng giảm sút rõ rệt, kéo theo nhập khẩu hàng hóa chững lại.

Các đối tác thương mại chính như EU, Trung Quốc, Nhật Bản... chuẩn bị biện pháp đáp trả, có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và đình trệ thương mại toàn cầu.

TỶ GIÁ ĐANG DỊCH CHUYỂN THEO HƯỚNG CÓ LỢI CHO HÀNG VIỆT NAM

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và khủng hoảng năng lượng – nay lại đối mặt với một cú sốc mới từ chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ. Điều này tác động đến hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU và Bắc Âu, áp lực cạnh tranh gia tăng, nhưng cũng là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Phân tích cụ thể hơn, bà Thuý cho biết giá hàng hóa Việt Nam có thể cải thiện tính cạnh tranh tại Bắc Âu nhờ tỷ giá thuận lợi, tỷ giá đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho hàng Việt Nam. Đồng USD giảm giá trong khi đồng krona Thụy Điển tăng mạnh, với tỷ giá hiện ở mức 9,85 SEK/USD – cao nhất kể từ tháng 6/2022. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam định giá bằng USD đang trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Thụy Điển, giúp cải thiện sức cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi này còn phụ thuộc vào khả năng doanh nghiệp Việt Nam giữ giá ổn định và không điều chỉnh tăng giá USD đầu ra. Ngoài ra, một số nhóm ngành vẫn cần thận trọng như: Dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ.

Đây đều là các ngành có biên lợi nhuận thấp và dễ bị tác động bởi biến động chi phí nguyên liệu, logistics và nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại châu Âu và Bắc Âu, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, khiến các mặt hàng không thiết yếu hoặc có giá trị gia tăng thấp dễ bị giảm đơn hàng hoặc ép giá.

Do đó, dù tỷ giá đang tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp vẫn cần chủ động kiểm soát chi phí, giữ ổn định giá bán, đồng thời nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm để duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường cao cấp như Bắc Âu.

Dẫu vậy, thách thức với hàng Việt Nam cũng không nhỏ, bởi theo bà Thuý, trong bối cảnh hàng hóa không dễ vào Hoa Kỳ, nên Trung Quốc, Campuchia, Bangladesh và nhiều quốc gia châu Á khác sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang EU và Bắc Âu – các thị trường còn duy trì thương mại mở và nhu cầu tiêu dùng cao.

Trong đó, Trung Quốc có thể gia tăng hiện diện trong các ngành điện tử, đồ gia dụng, cơ khí tại châu Âu.

Bangladesh và Campuchia, những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành dệt may, có thể đẩy mạnh dòng hàng giá rẻ vào EU. Áp lực không chỉ đến từ giá rẻ, mà còn ở tốc độ giao hàng, khả năng đáp ứng đơn hàng linh hoạt và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

EVFTA LÀ LỢI THẾ CHIẾN LƯỢC GIỮA BIẾN ĐỘNG

Giữa làn sóng rào cản thương mại và bảo hộ gia tăng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển nhận định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trở thành lá chắn chiến lược giúp hàng hóa Việt giữ vững chỗ đứng tại châu Âu. Những ngành hưởng lợi trực tiếp gồm: Dệt may, da giày; thủy sản, nông sản chế biến; đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; thiết bị điện, điện tử.

Đặc biệt, tại Bắc Âu – nơi người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm bền vững, xanh và minh bạch, doanh nghiệp Việt có thể tăng lợi thế nếu đầu tư vào các chứng chỉ như eco-label (nhãn sinh thái), truy xuất nguồn gốc, hoặc xác minh carbon footprint.

Ngoài ra, đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển lạc quan cho rằng chính sách thuế mới của Hoa Kỳ tuy là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đơn hàng ngắn hạn. Đồng thời chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng – bền vững – truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp có động lực đầu tư vào tiêu chuẩn châu Âu như nhãn sinh thái (eco-label), carbon footprint, hay chứng chỉ CSR để gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng Bắc Âu. Đồng thời tối ưu hóa EVFTA – tận dụng ưu đãi thuế và định vị hàng Việt như “giải pháp thay thế đáng tin cậy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà Thuý, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đang tạo ra một biến động mang tính hệ thống với thương mại toàn cầu, có thể tạo ra làn sóng suy thoái và gián đoạn toàn cầu sâu rộng. Vì vậy, trong khi các quốc gia lớn vẫn còn tranh luận về cách phản ứng, thì doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng sớm.

EU và Bắc Âu nhờ ổn định chính trị và khung hợp tác EVFTA đang nổi lên như cửa ngõ chiến lược cho xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng là doanh nghiệp không chỉ “vượt bão” mà còn tận dụng cơ hội để tái định vị hàng Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ là rẻ, mà còn là chất lượng – xanh – đáng tin cậy.

"Trong bối cảnh toàn cầu đang tái định hình chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá lại chiến lược xuất khẩu vào EU và Bắc Âu – khu vực vừa có tiềm năng tiêu dùng, vừa có khung hợp tác thương mại thuận lợi qua EVFTA", bà Thuý khuyến nghị.