Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 11: Thiếu cát gây chậm tiến độ các dự án trọng điểm

Admin

TP - Bộ GTVT cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch, chủ yếu do thiếu cát đắp nền. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu.

Loạt dự án chờ cát

Tại các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL đang thi công, nhà thầu đã huy động 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị. Trong đó, riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu đắp nền cho các dự án không đáp ứng kịp.

Bộ GTVT đánh giá, việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư các dự án. Đặc biệt, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh (qua miền Tây) cần hoàn thành gia tải xử lý lún chậm nhất vào 31/12/2024, mới có thể hoàn thành dự án vào 31/12/2025.

Tuy nhiên, công suất khai thác, cung ứng cát đắp cho dự án hàng ngày mới đạt 54.000/76.000m3. Do thiếu cát, nhà thầu chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ. Nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu, dự án khó đáp ứng tiến độ.

Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 11: Thiếu cát gây chậm tiến độ các dự án trọng điểm ảnh 1

Thiếu cát đắp nền đang làm chậm các dự án giao thông ở ĐBSCL. Ảnh: CẢNH KỲ

Đối với dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ), ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đã triển khai thi công đồng loạt 4/5 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, tổng giá trị thực hiện đến nay chỉ đạt hơn 12%, chậm hơn 15% so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do công suất khai thác, cung ứng cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Trường, nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án khoảng 7 triệu m3. Theo xác nhận của tỉnh An Giang, địa phương có thể cung cấp cho Cần Thơ khoảng 2,3 triệu m3 nhưng đã điều chuyển 0,7 triệu m3 để phục vụ dự án Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, An Giang mới xác nhận cung ứng cho Cần Thơ thực tế khoảng 1,6 triệu m3 cát.

Còn tỉnh Tiền Giang cam kết hỗ trợ Cần Thơ nguồn cát tại 3 mỏ, với tổng trữ lượng khoảng 4,7 triệu m3. Tuy nhiên, khảo sát trữ lượng thực tế tại 3 mỏ này chỉ có khoảng 2,6 triệu m3. TP Cần Thơ đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn cát còn thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu cát san lấp cho dự án. Đề nghị tỉnh An Giang sớm hỗ trợ hoàn trả phần khối lượng cát 700.000m3 (đã điều chuyển để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).

Tương tự, tại Hậu Giang đang thi công dự án của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, dự án được tỉnh An Giang cấp 1 mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3. Dù vậy, lượng cát này mới đáp ứng 45% nhu cầu dự án, với công suất khai thác tối đa 3.750 m3/ngày, đáp ứng khoảng 37,5% nhu cầu.

Để không bị gián đoạn thi công, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh An Giang, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập thủ tục điều chuyển một phần ngược lại cho dự án thành phần 3 đối với khối lượng cát đã điều chuyển cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Loay hoay tháo gỡ nguồn cung

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay, các địa phương đã rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/nhu cầu 65 triệu m3. Thủ tướng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và chỉ đạo hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ vào cuối tháng 8/2024.

Tuy nhiên, dù đã hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông với tổng trữ lượng 34,1 triệu m3, nhưng công suất khai thác hằng ngày của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.

Một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp (cung ứng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau) phải dừng (do lo ngại sạt lở) nên không đảm bảo khối lượng đã định. Tỉnh An Giang triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau (1,5 triệu m3), hiện mới cấp cho dự án được 0,87 triệu m3, nhưng đã phải dừng khai thác (do hết công suất), không đáp ứng khối lượng (còn 0,63 triệu m3 chưa thể khai thác).

Cũng theo ông Lâm, nhiều mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế, ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ.

Một số mỏ tại tỉnh Tiền Giang chồng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; một số mỏ tại tỉnh Bến Tre cấp cho nhà thầu nhưng thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2026-2030, tỉnh đang triển khai thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Bộ GTVT kiến nghị các tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm và hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép mỏ cát, chậm nhất trong tháng 10/2024. Để đảm bảo cung ứng vật liệu cho các dự án, bảo đảm đủ khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ các dự án giao thông theo chỉ tiêu được giao, ưu tiên trước cho các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025…