Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp'

Admin

Từ khi công nhân tại các nhà máy phải nghỉ việc, trở về quê, những chủ nhà trọ, tiểu thương quanh các khu công nghiệp mất đi nguồn thu nhập chính.

Lật cuốn sổ ghi nợ dày cộm trên tay, chị Tùng (56 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) lắc đầu ngán ngẩm, dò từng dòng: "Anh N. thiếu 500.000 đồng, chị T. thiếu 3 triệu đồng…".

Xem đến trang thứ 2 với chữ kín các dòng, chị Tùng trầm tư một chút rồi đóng sổ lại. Chị Tùng cho biết, đã bán tạp hóa tại khu nhà trọ ở đây hơn 10 năm, nhưng chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như năm nay.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 1
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 2

"Thủ phủ" nhà trọ vắng hoe

"Ở đây hơn 20 phòng nhưng giờ còn 10 phòng, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại thành phố. Chủ trọ treo biển cho thuê từ giữa năm 2022 đến nay, nhưng chưa bao giờ lấp đầy được. Bây giờ phòng nào bị trả thì coi như trống phòng đó luôn, từ đây đến đầu hẻm bảng cho thuê treo đầy mà có ai đến hỏi đâu", chị Tùng nói.

Đúng như lời chị Tùng nói, dọc con hẻm 58 trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) dài khoảng 100m có đến hàng chục tấm biển "cho thuê phòng", "còn phòng giá rẻ".

Khu vực này từng được xem là "thủ phủ" nhà trọ của công nhân quanh khu công nghiệp Tân Tạo. Nhưng, giờ đây chỉ lác đác vài lao động nghèo, đa số công nhân đều đã về quê từ cuối năm ngoái. Không riêng hẻm 58, hàng loạt khu trọ ở Tân Tạo A đều chung cảnh ngộ.

Trung bình, những khu trọ tại đây dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng. Dù giá rẻ hơn rất nhiều so với các khu công nghiệp khác, nhưng các chủ trọ vẫn "đỏ mắt" kiếm người thuê.

Không ít chủ trọ chủ động giảm giá thuê nhưng cũng đành bó tay. Đơn cử, căn trọ đối diện chị Tùng giảm từ giá 800.000 đồng/phòng/tháng xuống còn 500.000 đồng nhưng hơn 10 phòng vẫn bỏ trống cả năm nay.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 3
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 4

Công nhân thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu cũng khiến cho thu nhập của chị Tùng giảm. Trước đây, tại tiệm tạp hóa của chị có thể kiếm được 500.000 đồng/ngày, giờ đây chỉ vài chục nghìn đồng. Chẳng những vậy, công nhân còn đến mua rồi xin ghi nợ khiến chị thêm "đau đầu".

"Nhiều người họ thiếu nợ mình nhưng đòi từ đợt dịch đến giờ có đòi được đâu. Sau dịch họ mất việc, về quê nên coi như tôi bỏ luôn số tiền đó. Thấy họ khổ, mình cũng không nỡ đòi", chị Tùng bộc bạch.

Cách đó không xa, dãy trọ do bà Trần Thị Thuật cũng đang treo biển cho thuê khắp nơi. Dãy trọ này có hơn 40 phòng nhưng chỉ còn 6 phòng có người thuê. Những người còn bám trụ lại là công nhân của công ty TNHH PouYuen, chỉ được đi làm khoảng 2-3 ngày/tuần.

Trước đây, dãy nhà trọ này luôn kín phòng. Người đến thuê phải qua "vòng loại" gồm các tiêu chuẩn như về đạo đức, công việc, tính cách thì mới được đặt cọc. Giờ đây, dù có bỏ qua các tiêu chuẩn nói trên, dãy phòng trọ vẫn không có ai đến hỏi thuê. Thỉnh thoảng, bà Thuật lại ngán ngẩm nhìn cảnh công nhân lên xin lại tiền đặt cọc rồi.. dọn đồ về quê.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 5
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 6

Vừa quản lý trọ, bà Thuật vừa bán tạp hóa bên dưới để kiếm thêm thu nhập. Với mặt hàng thực phẩm, bà chỉ lãi vài nghìn đồng cho mỗi món. Trước đây, công nhân còn ở đông, bà có thể kiếm 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng giờ có khi cả ngày bà chỉ bán được vài chai nước suối, thu về 30.000 đồng.

Quán cơm của anh Sơn (38 tuổi) nằm trong hẻm trọ với bà Thuật cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Anh Sơn trước đây là tài xế, công ty thiếu đơn hàng nên cho anh nghỉ, anh về bán quán cơm nhưng cũng đành "vỡ mộng" vì công nhân giảm chi tiêu, chọn ở nhà tự nấu ăn.

Cùng một mặt bằng bên trong là hàng bánh cuốn của chị Út (38 tuổi, quê Thanh Hóa). Chị chia sẻ, trước kia chị làm công nhân được 3 năm, nhưng đã nghỉ việc vì mức lương không đủ trang trải. Chị chuyển sang hàng bán bánh cuốn, thu nhập cũng ổn định hơn. Nhưng dạo gần đây, hàng bánh cuốn của chị cũng không còn trụ mãi được vì lượng khách mất hơn một nửa.

Công nhân cố bám trụ vì về quê sợ… mất mặt

Phía trước quầy tạp hóa của bà Thuật, 2-3 công nhân ngồi thờ thẫn vì hôm nay không được gọi đi làm. Ăn vội bát mì, chị Lắm (33 tuổi, quê An Giang, công nhân công ty TNHH PouYuen) thở dài: "Trước kia lượng hàng ổn định thì còn được tăng ca. Nay một tuần nghỉ hết 3 ngày, lương cũng còn một nửa thôi nên bấp bênh lắm".

Gia đình còn con nhỏ ở quê với ông bà, hàng tháng vợ chồng chị cũng phải cố gắng dành dụm để gửi tiền về. Đối với chị Lắm, đến nay ai còn việc làm đã là may mắn. Bản thân chị cũng trân trọng công việc dù đồng lương "ba cọc ba đồng" vẫn giúp chị tạm lo được cho gia đình.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 7
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 8

Cách đây vài tuần, chị Hương (29 tuổi, ngụ phường Tân Tạo, Bình Tân) đã phải xót xa khi chia tay những người bạn cùng dãy trọ. Nay lại đến lượt mình, chị không biết phải xoay sở ra sao. Khi công ty chị đã gắn bó hơn 10 năm nay, buộc chị thôi việc.

Chị có hai người con, con nhỏ nay 2 tuổi, con lớn thì sắp vào lớp 2. Chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng.

"Một tháng chị phải chi trả hơn 2 triệu đồng tiền trọ, ăn uống một ngày cũng hơn 200.000 đồng. Tiền học của con cũng hơn 3 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền tã sữa. Nay mất việc rồi không biết phải làm sao, cũng nghĩ tới chuyện về quê rồi", chị chia sẻ.

Anh Sơn (34 tuổi, quê tại tỉnh Nghệ An) cũng chạnh lòng, khi thu nhập chỉ còn 70% so với trước. "Tôi chưa kết hôn nhưng còn phải lo cho mẹ già ở quê. Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi sợ mình không gồng gánh nổi. Ở đây tìm việc làm thêm không có, buộc mình phải nghĩ tới chuyện về quê", anh Sơn trải lòng.

Ôm 3 đứa con vào lòng, chị Tuyền (30 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) rưng rưng nước mắt. Chị Tuyền cho hay, chị rời quê lên TPHCM lập nghiệp khi chỉ hơn 10 tuổi. Ở xứ người làm công nhân "cày cuốc" hơn 20 năm, chị chạnh lòng khi đến nay vẫn sống cảnh ở trọ.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 9
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 10

"Rời quê, bỏ ba mẹ ở nhà hơn 20 năm mà không mua nổi một cái nhà để ở. Làm công nhân nên đâu có đòi hỏi được, kiếm tiền ăn qua ngày đã khó rồi", chị Tuyền trầm tư.

Vợ chồng chị Tuyền cùng làm công nhân tại công ty TNHH PouYuen. Riêng chị đã làm tại đây hơn 18 năm. Ngày nghe thông báo bị giảm giờ làm, chị như sụp đổ vì tiền lương chỉ vừa đủ lo cho 5 miệng ăn. Đến nay, khi nghe thông báo công ty sắp sa thải thêm hàng nghìn công nhân, chị Tuyền chỉ biết "ngước mặt lên trời cho nước mắt chảy ngược vào trong".

Trước đây, mỗi tháng vợ chồng chị kiếm được gần 20 triệu đồng/tháng, nhưng giờ đây thu nhập giảm hơn một nửa vì mỗi tuần chị chỉ được đi làm 2-3 ngày. Sinh 2 đứa con, chị Tuyền còn phải lo cho con trai nhỏ của người chị họ đã bỏ đi lấy chồng xa.

Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 11
Công nhân bỏ phố về quê, chủ trọ khóc ròng, tiểu thương cũng 'sạt nghiệp' ảnh 12

"Khổ thì cho khổ chung, chứ tôi đâu có bỏ nó được. Giờ công nhân chúng tôi chỉ mong năm nay qua nhanh, để năm sau mọi thứ tốt đẹp hơn, trở lại cuộc sống trước đây. Khó khăn thì chấp nhận, vì mình còn trẻ thì ráng mà làm", chị Tuyền nói.

Khi nhắc đến chuyện quay trở về quê nhà, chị Tuyền thú thật không có đêm nào chị không nghĩ tới. Thế nhưng, ngày rời quê lên thành phố, chị Tuyền mang theo bao sự kỳ vọng từ gia đình, hàng xóm. Nếu giờ quay về tay trắng, chị sợ sẽ mất mặt, không biết đối diện với những người ở quê thế nào.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến nay, có gần 600.000 công nhân bị giảm giờ làm, mất việc. TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... là những địa phương có nhiều người lao động bị ảnh hưởng hơn cả.

Thực tế là từ tháng 9/2022 đến hết quý đầu năm 2023, cả nước phải chứng kiến cảnh nhiều doanh nghiệp trải đều trên các địa bàn xảy ra tình trạng thiếu, cắt giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động cũng bị tác động tiêu cực. Có đến 77% lao động trong 3 ngành thế mạnh là dệt may, da giày, chế biến gỗ nằm trong chuỗi tác động lan truyền.

Theo Tổng cục Thống kê số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II là khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước.

Tình trạng lao động nghỉ giãn việc đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu ở ngành da giày, dệt may.

Một số tỉnh diễn ra tình trạng trên như Bắc Giang (9.300 người), Bình Dương (9.800 người), Quảng Ngãi (10.300 người), Tiền Giang (11.900 người), Bình Phước (17.000 người), Ninh Bình (19.800 người), Thanh Hóa (98.300 người).

Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.


Link gốc: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/cong-nhan-bo-pho-ve-que-chu-tro-khoc-rong-tieu-thuong-cung-sat-nghiep-20230630155338728.htm

Cuộc sống thuê trọ trong các biệt thự triệu USD bỏ hoang ở Hà Nội
Lao động diện được duyệt hỗ trợ thuê nhà trọ ở TPHCM mới đạt trên 16%
Lao động diện được duyệt hỗ trợ thuê nhà trọ ở TPHCM mới đạt trên 16%
Theo