Trao đổi với Vneconomy, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, CEO Saigon Co.op, cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam thực sự rất nhiều tiềm năng và hấp dẫn. Tuy nhiên, để chinh phục thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất tham vọng trong năm 2025, để đạt được mức tăng trưởng hai con số đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các khối kinh doanh, sản xuất, trong đó, tiêu dùng bán lẻ là một trụ cột quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá tốc độ phát triển và đóng góp của ngành hàng bán lẻ ở Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ như thế nào?
Đây là những mục tiêu đầy thách thức đối với tổng thể thị trường Việt Nam nói chung và đối với thương mại, bán lẻ nói riêng. Với sự đóng góp của thương mại hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung toàn nền kinh tế là mức tăng trưởng hai con số theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, ngành thương mại cần có xung lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng chung hai con số thì thương mại phải có tốc độ tăng trưởng khoảng 20% duy trì xuyên suốt từ năm 2025 đến năm 2030. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 9.000 khu chợ, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Đối với quy mô phát triển hiện nay, thương mại truyền thống đóng góp khoảng 75% thị phần chung của thương mại. Nếu thương mại nói chung muốn đạt được tốc độ phát triển 20% thì cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại đều phải có sự tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt đối với thương mại hiện đại.
Thương mại truyền thống vẫn nên giữ những khía cạnh cốt lõi và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Thương mại hiện đại phải dẫn dắt để thị trường phát triển ở một tầm cao mới, phù hợp với những định hướng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thời gian vừa qua chúng ta đã nói tới “điểm nghẽn” của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vậy, ngành bán lẻ cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” nào để thị trường có thể phát triển tốt nhất?
Thương mại, đặc biệt là bán lẻ đóng vai trò rất quan trọng đối với tổng thể GDP của Việt Nam. Để thương mại phát triển, theo góc độ cá nhân tôi cũng như các đơn vị bán lẻ, có một số điểm cần phải có sự đồng hành đồng bộ hơn.
Thứ nhất, việc phát triển hạ tầng thương mại cũng như những ngành hỗ trợ, thương mại phát triển được hay không vẫn phụ thuộc vào một số ngành khác như logistics, công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng về thanh toán.
Thứ hai, cần phát triển quy hoạch các vùng cung cấp nguyên liệu nhằm tạo nên một vị thế vững mạnh đối với chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Cần có sự phân công rõ ràng để tạo nên những hợp lực chứ không phải là cạnh tranh đối với cả các địa phương và các thành phần kinh tế khác nhau.
Thứ ba, việc xúc tiến để có những hiệp định thương mại đa phương và song phương, đồng thời tận dụng những hiệp định này để phát triển những thị trường bán lẻ cũng là một yếu tố rất cần thiết.
Thứ tư, cần có giải pháp mang tính chất quyết liệt để số hóa, ứng dụng những thành tựu công nghệ đối với lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Đồng thời, niềm tin tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng. Niềm tin tiêu dùng được gia tăng thì thương mại, bán lẻ mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao đối với thương mại hiện đại cũng như thương mại truyền thống.
Đối với hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam và nói chung và quốc tế nói riêng, đây là thời gian phát triển dựa trên các thế mạnh. Thế mạnh của chúng ta chính là các cửa hàng vật lý, vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn rằng ngành bán lẻ sẽ tận dụng thế mạnh từ các cửa hàng vật lý để phát triển thương mại hiện đại, giúp cho khách hàng mua sắm bán lẻ trực tuyến vẫn có những trải nghiệm như tại cửa hàng vật lý. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tháo gỡ được những phiền toái của cửa hàng vật lý mà khách hàng vẫn có không gian mua sắm và trải nghiệm cá nhân.
Các doanh nghiệp bán lẻ nên kết hợp chuyển đổi từ thương mại vật lý sang thương mại phi vật lý dựa trên những thế mạnh của mình thông qua hệ thống logistics và những điểm bán cụ thể. Qua đó sẽ giữ được đối tượng mua hàng truyền thống, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Trong ngành bán lẻ, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, doanh nghiệp Việt cũng cạnh tranh rất gay gắt. Theo ông, để chinh phục thị trường thì các doanh nghiệp Việt có nên cùng hoạch định những kế hoạch chung hay không?
Thực ra chúng tôi không quan niệm rằng đây là những "đối thủ" cạnh tranh ở trên thị trường. Bản thân những đối tác và doanh nghiệp Việt Nam, hay kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần có những hỗ trợ, hợp tác với nhau ở nhiều góc độ, khía cạnh. Trên thực tế vừa qua, ngay cả các tuyên bố của các đơn vị bán lẻ đều cụ thể, đưa ra những chuẩn mực chung về hàng hóa. Đây cũng chính là những điều kiện để giúp cho toàn bộ thị trường phát triển hơn chứ không chỉ đối với từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ cũng có những góc độ cạnh tranh và có sự phân công chuyên môn hóa trong thị trường hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần có một sự liên kết nhất định để làm việc với các cấu thành khác trong chuỗi giá trị.
Đối với việc cung ứng hàng hóa tại thị trường Việt Nam và các thị trường quốc tế, chúng ta đang có nhiều cơ hội để nâng tầm hiệu quả của bán lẻ Việt Nam và đáp ứng sự kỳ vọng của người tiêu dùng, chứ không chỉ dừng lại ở cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ.
Nhân dịp năm mới, ông có thể chia sẻ thông điệp đại diện cho các nhà bán lẻ, cũng như đại diện cho Saigon Co.op để gửi tới khách hàng và người tiêu dùng?
Với chúng tôi, các nhà bán lẻ luôn có thể tiếp xúc trực tiếp đến người tiêu dùng và đây là một kết nối vô cùng quan trọng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng sự kết nối giữa người tiêu dùng và các nhà sản xuất của Việt Nam trong năm 2025 sẽ có những thành tựu mới hơn, liên kết chặt chẽ hơn để đáp ứng những nhu cầu, định hướng mang tính chất vĩ mô của đất nước.
Đồng thời, chúng tôi, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ luôn cố gắng để gây dựng được lòng tin của người tiêu dùng, đảm bảo rằng tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trong nước phải đạt mức hai con số và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Năm 2025 sẽ là một năm khởi đầu cho hành trình mới đầy hứng khởi. Người tiêu dùng, nhà sản xuất cùng vai trò trung gian của các nhà bán lẻ sẽ cùng nhau tiến bộ, đạt được thành công mới.
Với Saigon Co.op, năm 2025 chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ vững vị trí là một đơn vị bán lẻ hàng đầu với việc tiên phong thực hiện những chủ trương vì người Việt Nam, vì những nhu cầu của người Việt Nam và vì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để đóng góp chung cho cả nền kinh tế nước ta.
Đối với hoạt động thương mại của Saigon Co.op, đặc biệt là thương mại hiện đại, cụ thể là thương mại điện tử, chúng tôi đặt mục tiêu năm 2025 đạt được doanh số khoảng 3.500 – 4.000 tỷ đồng và sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong hoạt động thương mại chung của doanh nghiệp...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2025 phát hành ngày 20/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam