Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vừa tiếp nhận bé trai B.A (10 tuổi ở Hà Nội) nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể, bao gồm vùng thái dương, đùi, tay và chân.
Các vết thương có dấu răng rõ rệt, nghiêm trọng do bị
Cháu B.A với nhiều vết thương do chó cắn khi đi chúc Tết.
Theo bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống: “Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong 5-7 ngày để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ)”.
Dù đang trong kỳ nghỉ tết, nhưng vì sức khoẻ của bệnh nhân, Bệnh viện đã điều động các nhân viên Phòng tiêm chủng vắc xin đến để tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại, vắc xin phòng uốn ván ngay sau khi các vết thương được xử lí.
Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian qua, các cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó tấn công, trong đó có những ca chấn thương nghiêm trọng, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Do đó, người dân lưu ý không thả rông chó, rọ mõm chó khi ra đường. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh dại, người dân nên tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đầy đủ.
“Do đặc tính cắn, giằng xé của loài chó, chúng có thể gây ra các vết thương mạch máu lớn vùng cổ hoặc các vết thương lóc da, đứt rời bộ phận vùng đầu mặt. Không những thế, người bệnh còn phải đối diện với nguy cơ nhiễm virus dại hoặc nhiễm trùng vết thương do lây nhiễm vi khuẩn từ răng miệng loài chó”, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Kim Nhã, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) lưu ý.
Trong sơ cứu vết thương do chó cắn, theo bác sĩ Lê Kim Nhã, cần nhanh chóng tách người bệnh ra khỏi vùng nguy hiềm. Nếu thấy vết thương chảy nhiều máu, nhanh chóng dùng khăn sạch hoặc gạc sạch ép vào vùng tổn thương để ngăn chảy máu. Nếu vết thương đã cầm máu, tiến hành rửa bằng xà phòng và nước sạch, sau đấy băng lại bằng gạc sạch và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, tại cơ sở y tế, người bệnh cần được sớm thăm khám và tư vấn tiêm phòng ngừa dại và uốn ván bởi bác sĩ chuyên khoa.
“Vết thương do chó cắn thường có nguy cơ nhiễm trùng cao, nên cần được thay băng và vệ sinh hằng ngày, kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh và giảm đau toàn thân. Đối với các vết thương đã nhiễm trùng chảy dịch, nên để hở và chăm sóc thay băng hằng ngày cho đến khi sạch thì mới khâu đóng lại. Sau khi tình trạng toàn thân và tại chỗ ổn định, các phương pháp tạo hình sẽ được sử dụng để tái tạo lại cơ quan cấu trúc khuyết thiếu, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh”, bác sĩ Lê Kim Nhã khuyến cáo.
Bệnh dại là mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người; tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng.
Có nhiều nguyên nhân gây tử vong do bệnh dại ở người, đó là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vắc xin phòng dại/huyết thanh kháng dại; tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định, tự điều trị, dùng thuốc nam. Cùng với đó, công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo; tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng dại trên đàn chó mèo thấp (chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo).
Hiện, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho tất cả chó, mèo. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành Thú y.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cách sơ cứu khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm:
- Rửa kĩ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.