Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - Bài 7: Không để doanh nghiệp chết yểu do thiếu luật

Admin

TP - Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, Bộ Công Thương luôn tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp tập trung vào chi phí sản xuất, kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những khó khăn, vướng mắc này cũng xuất phát từ chất lượng cơ sở hạ tầng mặc dù không ngừng được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bao gồm các chi phí có liên quan đến lao động, chi phí tài chính (ngoài thuế), chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics…

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - Bài 7: Không để doanh nghiệp chết yểu do thiếu luật ảnh 1

Doanh nghiệp tư nhân cần khung pháp lý đủ mạnh

“Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, lực lượng doanh nghiệp trong nước phát triển còn hạn chế, chưa tạo lập được năng lực cạnh tranh tốt và thương hiệu mạnh với các chủ doanh nghiệp là các tập đoàn công nghiệp lớn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn do các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài chi phối, các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung ở một số công đoạn sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình trong chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp như: gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe gắn máy...) với quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.

Ông cũng cho rằng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các khoản vay trung và dài hạn, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn vướng mắc liên quan đến phát triển thương mại điện tử, vấn đề hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng đang là vấn đề kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp. Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Khó khăn vướng mắc nữa của doanh nghiệp liên quan đến mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu. Ngược lại, bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do sự thiếu chủ động để thích ứng với bối cảnh mới. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế bền vững”, ông Diên cho hay.

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - Bài 7: Không để doanh nghiệp chết yểu do thiếu luật ảnh 2

“Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Cần khung pháp lý đủ mạnh

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, thực tế phải thừa nhận thời gian qua, việc phát triển công nghiệp, phát triển doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân gắn kết chưa chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn hạn chế và kém hiệu quả. Đặc biệt, sự phân bố không gian công nghiệp tuy đã hình thành nhưng chưa thể hiện rõ nét, còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng khiến cho lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết. Cùng đó, tình trạng trùng lặp về cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư giữa các địa phương trong nội bộ vùng vẫn xảy ra đã gây lãng phí nguồn lực và triệt tiêu các lợi thế của các địa phương trong nội bộ vùng.

Theo vị này, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, muốn phát triển thì rất cần đến các quy định rõ ràng được thể chế hoá bằng các quy định trong luật. Như với ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dù có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng đến nay Nhà nước mới chỉ quản lý trực tiếp chủ yếu thông qua các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và gián tiếp thông qua các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác (đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, việc làm, thuế, tín dụng...). Đáng nói, các chiến lược, quy hoạch này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó thiếu cơ sở vững chắc để triển khai cũng như giám sát, đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình phát triển các ngành chế biến, chế tạo. Việc quản lý phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gián tiếp thông qua pháp luật chuyên ngành (thuế, đầu tư, đất đai...) tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong áp dụng, đặc biệt là không có các cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho các ngành công nghiệp để khuyến khích phát triển.

Việc chưa có khung pháp lý đủ mạnh (ở cấp luật) để quản lý, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách công nghiệp quốc gia trong thời gian vừa qua không đạt được những kết quả như mong đợi.