Nguyên nhân nằm ở việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế quan lên đồng nhập khẩu.
Phiên giao dịch ngày 2/7, giá đồng tham chiếu tại thị trường London đạt mức khoảng 10.000 USD/tấn, cao nhất hơn 3 tháng. Cùng với đó, lượng đồng tồn trữ trong mạng lưới nhà kho trên toàn cầu của Sở Giao dịch kim loại London (LME) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023 - theo tờ báo Financial Times.
Cuộc chạy đua chuyển đồng sang Mỹ đã đẩy giá đồng lên cao và buộc LME phải can thiệp vào thị trường trong tháng 6 bằng cách đưa ra quy định đối với các nhà giao dịch có vị thế đồng lớn. Nhà phân tích Tom Price của công ty Panmure Liberum nhận xét “việc đồng được vận chuyển ồ ạt từ mọi nơi ngoài Mỹ tới Mỹ” đã khiến đồng trở thành “kim loại giàu cảm xúc nhất trên thị trường vào thời điểm này”.
Khối lượng đồng khổng lồ đã chảy khỏi châu Âu và châu Á vào Mỹ trước khi ông Trump có thể áp thuế quan đối với kim loại được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ và vận tải này. Cuộc cạnh tranh để giành giật nguồn đồng cung khan hiếm ở châu Âu và châu Á càng thêm phần căng thẳng khi các công ty giao dịch lớn như Mercuria và Vitol đang ra sức phát triển mảng giao dịch kim loại cơ bản.
Với nguồn cung đồng trên thị trường trở nên thắt chặt, LME đã thay đổi một số quy định vào tháng trước, áp dụng yêu cầu đối với các nhà giao dịch có vị thế rất lớn phải cho vay đồng, nhằm giải quyết tình trạng giá cả biến động dữ dội khi xuất hiện tình trạng một số người mua muốn gom khối lượng lớn một cách nhanh chóng ngay cả khi lượng đồng tồn kho giảm xuống mức thấp.
“Thật quá kịch tính khi nói rằng thị trường đồng đang trong cơn khủng hoảng, nhưng thực chất thị trường đang ở một thời điểm rất thú vị”, chiến lược gia kim loại cơ bản Alastair Munro của công ty Marex phát biểu.
Trên thị trường đồng, giá đồng giao sau thường cao hơn giá đồng giao ngay, nhưng cơn sốt đang diễn ra đã dẫn tới một sự đảo lộn. Tuần trước, giá đồng giao ngay ở London tăng lên mức cao hơn khoảng 400 USD/tấn so với giá đồng giao sau 3 tháng - chênh lệch ngược chiều lớn nhất kể từ năm 2021.
Trong điều kiện bình thường của thị trường, hợp đồng càng xa trong tương lai có mức giá càng cao. Điều này cho phép các công ty luyện đồng, các giao giao dịch và đối tượng khác muốn phòng hộ cho các nghĩa vụ của mình có thể đảo hợp đồng về tương lai mà không bị thua lỗ, vì họ có thể mua các hợp đồng ngắn hạn hơn ở mức giá thấp hơn và bán hợp đồng dài hạn hơn với mức giá cao hơn.
Nhưng tình trạng đảo ngược hiện nay trên thị trường đông đang đặt ra rủi ro đối với người bán đồng: khi các hợp đồng giao sau đáo hạn, hoặc họ phải kết thúc hợp đồng bằng cách giao đồng vật chất giữa lúc nguồn cung đang khan hiếm; hoặc họ phải đảo hợp đồng thành một hợp đồng giao sau khác và chấp nhận thua lỗ vì phải mua đồng với mức giá ngắn hạn hơn và cao hơn rồi chấp nhận bán số đồng đó trong tương lai xa hơn với mức giá thấp hơn.
Thực tế này có thể dẫn tới hiện tượng “short squeeze” (bán non) - trong đó các công ty có nghĩa vụ phải giao đồng vật chất chạy đua mua đồng để đáp ứng vị thế của họ, đẩy giá đồng càng tăng mạnh hơn - các nhà phân tích của Bank of America cảnh báo.
Chênh lệch cao hơn (premium) giữa giá đồng của ngày mai so với giá đồng của ngày kia - gọi là “tom-next” - đã tăng lên mức khoảng 100 USD/tấn vào tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2021. Đây được xem là một “chỉ báo căng thẳng thực sự trên thị trường”, cho thấy một số người bán đang hứng chịu tổn thất - theo ông Munro.

Sự cạn kiệt đồng dự trữ của LME xảy ra khi các sự cố gián đoạn ảnh hưởng đến sản lượng khai thác đồng. Chẳng hạn, mỏ đồng Kakula khổng lồ của công ty Ivanhoe Mines tại Cộng hòa Congo đã trải qua một trận lũ lụt vào tháng 5.
Trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường đã gia tăng khi một số công ty giao dịch lớn tìm cách phát triển mảng giao dịch kim loại cơ bản. Theo dữ liệu của LME, một người mua giấu tên đã nắm giữ quyền mua từ 50-80% số đồng có sẵn trong kho của mạng lưới LME vào hôm thứ Tư tuần này, cho phép họ có quyền yêu cầu được giao hàng số kim loại đó.
“Đây là một thay đổi lớn đối với thị trường đồng vì các nhà giao dịch có nhiều tiền hơn”, ông Munro nói, và cảnh báo rằng điều này có thể sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đồng trở nên tồi tệ hơn. “Chúng ta sẽ nói về thâm hụt nguồn cung thực sự trong hai năm tới”, ông dự báo.
Ngay cả khi người mua đồng không yêu cầu giao kim loại vật chất, thì “những vị thế mua đó vẫn là có thật và có thể tạo ra căng thẳng trên thị trường”, ông Price nhận xét.