Trong đợt thẩm định này, xã Đa Tốn đã đăng ký đạt chuẩn trên 2 lĩnh vực văn hóa và y tế; xã Yên Thường cũng đặt mục tiêu hoàn thành tiêu chuẩn trên lĩnh vực giáo dục, văn hoá và an ninh trật tự.
Báo cáo Đoàn thẩm định, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn Đỗ Văn Tống thông tin: Xác định mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, xã Đa Tốn đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở với quyết tâm cao hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm 2024 trên 2 lĩnh vực: Văn hóa, y tế.
Các thành viên đoàn ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Yên Thường và Đa Tốn - Ảnh: Thái Sơn. |
Đối với lĩnh vực văn hóa, Đa Tốn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao quy mô xã được xây dựng từ năm 2011, đưa vào sử dụng năm 2013. Trung tâm có cơ sở vật chất trang thiết bị bảo đảm, có Ban quản lý, quy chế, kế hoạch hoạt động hằng năm.
Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hoạt động văn nghệ quần chúng, hoạt động thể dục, thể thao, hoạt động của các câu lạc bộ. Ngoài ra, xã có 5/5 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao quy mô thôn đạt chuẩn theo quy định. Các nhà văn hóa thôn cũng có Ban quản lý và quy chế tổ chức hoạt động. Xã cũng có 9 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên.
Đến nay, 100% trục đường chính, đường liên thôn được cứng hóa, thảm nhựa Asphalt; 100% đường ngõ xóm rộng hơn 2m, có điện chiếu sáng; 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường Tiểu học xã đạt chuẩn mức độ 2; 100% các thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 99,68% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam; thu nhập bình quân toàn xã đạt 82,24 triệu đồng/người/năm...
Về mô hình thôn thông minh, xã Đa Tốn lựa chọn thôn Thuận Tốn và đã xây dựng được Tổ công nghệ số cộng đồng, thiết lập nhóm zalo chung để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, trao đổi các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội..., với hơn 1.000 người tham gia. Tại thôn có 9 tổ liên gia, các tổ liên gia đều đã thành lập nhóm zalo để trao đổi thông tin.
Với các chỉ tiêu thương mại điện tử, du lịch thông minh, bảo đảm các dịch vụ xã hội, nông nghiệp thông minh, sinh hoạt cộng đồng thông minh của thôn đều đạt điểm tối đa.
Xây dựng nông thôn mới tại các xã từng bước làm thay đổi bộ mặt của huyện Gia Lâm. |
Còn tại xã Yên Thường, quyền Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vinh Quang chia sẻ, xã vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là xã có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông với 10 thôn, tổ dân phố. Ngay từ đầu năm 2024, xã đã tập trung các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và chọn 3 lĩnh vực xây dựng kiểu mẫu: An ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Xã đã thực hiện tốt các tiêu chí NTM kiểu mẫu, là: Thôn thông minh và 3 tiêu chí tự chọn: An ninh trật tự, giáo dục, văn hóa. Năm 2024, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 82 triệu đồng/người/năm. Xã lựa chọn thôn Xuân Dục để xây dựng thôn thông minh, thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng thôn và đi vào hoạt động hiệu quả với hơn 93% số hộ có thành viên sử dụng điện thoại thông minh; hơn 87% số hộ trong thôn lắp mạng internet; gần 60% số hộ lắp đặt camera giám sát; thôn có các zalo nhóm chung; một số sản phẩm của các hộ trong thôn được quảng bá, tiếp thị trên môi trường mạng...
Đối với tiêu chí giáo dục, 3 bậc học của xã đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường Tiểu học Quang Trung, Tiểu học Yên Thường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
Đặc biệt, với lĩnh vực an ninh trật tự, trong 3 năm gần đây, Yên Thường không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội, tội phạm hình sự. Xã đã đưa vào hoạt động 6 mô hình bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Công an xã được bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng trụ sở riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Trong buổi đối chiếu, đại diện nhân dân các thôn của 2 xã đều bày tỏ đồng tình cao về kết quả xây dựng nông thôn mới địa phương đạt được. Bí thư Chi bộ thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn Đỗ Duy Bàng phấn khởi chia sẻ, chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tất cả các tuyến đường trục thôn, trục xóm ở địa phương đều được trải nhựa, có sân chơi, vườn hoa với các hạng mục đầu tư lớn phục vụ trực tiếp cho đời sống của người dân.
Đối chiếu với các quy định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định Ngọ Văn Ngôn cho biết, cả 2 xã đều đạt đủ điều kiện hoàn thành. Trưởng đoàn thẩm định đề nghị các xã tiếp tục quan tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện cả 8 lĩnh vực, trước khi trở thành phường và Gia Lâm trở thành quận.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1574/QĐ-TTg công nhận huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về quy hoạch và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, huyện Gia Lâm đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Gia Lâm đã hoàn thành 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.Như vậy, đến thời điểm này, Gia Lâm là huyện thứ hai của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trước đó, vào tháng 9/2024, huyện Thanh Trì là huyện đầu tiên của Thành phố Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.