Hệ thống khuyến nông Hà Nội: Cánh tay nối dài, điểm tựa cho nhà nông

Admin

Phát huy vai trò của mình, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã và đang là cầu nối hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tới người nông dân, từ đó phát huy chuỗi giá trị sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản.

Tạo sinh kế cho người dân

Năm 2024, các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng đã và đang đạt hiệu quả khả quan, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Với 1ha chăn nuôi thủy sản, Gia đình ông Nguyễn Duy Hùng (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) dù có thâm niên hơn 20 năm nuôi cá thương phẩm nhưng vẫn canh cánh nỗi lo cá bị dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ những hỗ trợ của cán bộ khuyến nông địa phương mà hiệu quả đầu ra đã vượt trội so với mọi năm.

Hệ thống khuyến nông Hà Nội: Cánh tay nối dài, điểm tựa cho nhà nông ảnh 1

Nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hà Nội.

“Được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, từ xử lý nước trong ao nuôi đến cách chọn con giống, chăm sóc cá theo quy trình VietGAP, nên cá lớn nhanh, kháng bệnh tốt. Sau 5 tháng nuôi, đàn cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, không xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt hơn 12 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn từ 10% đến 15% so với nuôi cá thông thường,” ông Hùng phấn khởi chia sẻ.

Cũng là một trong những hộ dân áp dụng thành công mô hình khuyến nông, gia đình ông Kiều Bình Thanh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ vay vốn, giới thiệu khoa học kỹ thuật để trồng áp dụng vào hoạt động canh tác hoa. Với hơn 1 mẫu hoa ly, cúc và hoa chậu, hoa bầu, hoa treo trang trí, hoa thảm, hoa cắt ghép được áp dụng hệ thống nhà kính và công nghệ tưới tự động, hoa của gia đình ông Thanh đã đạt năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết thời gian qua, cán bộ khuyến nông địa phương đã thực hiện tốt vai trò tư vấn, chuyển giao khoa học và kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ. Các tổ khuyến nông luôn sát cánh cùng nông dân, bảo đảm phương châm "ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông."

Hệ thống khuyến nông Hà Nội: Cánh tay nối dài, điểm tựa cho nhà nông ảnh 2

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông trong trồng trọt và chăn nuôi theo đúng kế hoạch và khung thời vụ.

Người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Điều này góp phần gia tăng giá trị sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lớn như 200 vùng trồng lúa tập trung (diện tích từ 50ha đến 300ha mỗi vùng), 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ, và gần 50 khu vực chuyên canh hoa chất lượng cao.

Phát triển khuyến nông số

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã ghi dấu với nhiều kết quả quan trọng trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững. Từ việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến liên kết tiêu thụ sản phẩm, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp thủ đô.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết trung tâm sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các hoạt động trọng tâm bao gồm xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức các chương trình đào tạo và tập huấn, nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Các vùng sản xuất này không chỉ đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho thị trường trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng theo sát các hoạt động tại cơ sở để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện, đồng thời tích luỹ thêm kinh nghiệm thực tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ khuyến nông được nâng cao trình độ về kỹ năng và phương pháp mới, nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân trong quá trình sản xuất.

Với chủ trương hợp nhất 3 đơn vị cấp huyện (trạm chăn nuôi và Thú y, trạm trồng trọt và BVTV, trạm khuyến nông) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý, TP. Hà Nội đã chuyển giao 18 trạm khuyến nông về huyện theo kế hoạch, đây là một thách thức không nhỏ với ngành khuyến nông ở Hà Nội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hoạt động khuyến nông đang có nhiều thay đổi tích cực.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong thời gian tới, ngành khuyến nông Hà Nội tiếp tục bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương và thành phố về nông nghiệp và phát triển nông thôn; tuyên truyền chủ trương, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025; giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm theo chuỗi trên địa bàn thành phố... Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 20% so với ngoài mô hình.