Theo đó, UBND thành phố Huế vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp thành phố Huế giai đoạn 2025 – 2026.
Với tổng cộng 15 dự án được đưa vào danh mục, trong đó có các dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đây được xem là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Một trong những dự án nổi bật là dự án đầu tư xây dựng Bến số 6 tại khu Cảng Chân Mây với diện tích 13,3 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm, nhằm xây dựng bến hàng lỏng, hàng bao kiện và container, phục vụ tàu có tải trọng lên đến 70.000 DWT. Dự án này sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics và công nghiệp tại địa bàn.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 2 có diện tích 204,2 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, cũng đang được kêu gọi đầu tư. Dự án này sẽ được thực hiện trong 5 năm, nhằm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hiện đại và đồng bộ.
Huế cũng dành sự ưu tiên lớn cho phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và du lịch sinh thái. Hai dự án khu phi thuế quan số 1 và số 2 Chân Mây có quy mô lần lượt là 236 ha và 267,6 ha, với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng, cũng đang được thành phố mời gọi doanh nghiệp nghiên cứu và tham gia đầu tư.
Hai dự án Khu đô thị Chân Mây (vị trí 1 và vị trí 2) có diện tích lần lượt 114 ha và 154 ha, với tổng vốn đầu tư 8.550 tỷ đồng và 11.550 tỷ đồng. Các dự án này hướng đến xây dựng những khu đô thị hiện đại, tích hợp hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cũng được đưa vào danh mục. Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Cả với diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Dự án Khu du lịch biển Lăng Cô với diện tích 45 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án Khu phức hợp du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng đầm Lập An với diện tích 75 ha, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Dự án kho cảng LNG tại khu Cảng Chân Mây cũng thu hút sự chú ý, với diện tích 27 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 8.600 tỷ đồng. Dự án bao gồm xây dựng kho chứa LNG, cảng tiếp nhận LNG, hệ thống đường ống dẫn và các hạng mục phụ trợ. Dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch cho khu vực miền Trung.
UBND thành phố Huế giao Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức kêu gọi, hướng dẫn các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư lần này thể hiện quyết tâm của thành phố Huế trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, từng bước xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành trung tâm kinh tế động lực, hiện đại và bền vững trong khu vực miền Trung.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp thành phố Huế cho biết, từ khi thành lập đến nay khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có 55 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 97.000 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án FDI với tổng vốn hơn 56.000 tỷ đồng (chiếm 57,56% tổng vốn đăng ký, tương đương 2,54 tỷ USD).
Một số nhà đầu tư ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư các dự án tại khu kinh tế này như tập đoàn Banyan Tree của Singapore với dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô, Nhà máy Chế xuất Billion Max Việt Nam của Tập đoàn Winson...
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hiện đang là điểm đến đầu tư các loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng cảng biển, logistic, các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, với doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng.