Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phối hợp với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang dàn dựng vở nhạc kịch hiện đại
‘Khát vọng đỏ’, người lính Cụ Hồ thời nào cũng đầy khát vọng phụng sự đất nước
Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa được khắc họa như một hình mẫu cao đẹp về lý tưởng sống, sự hy sinh và khát vọng cống hiến trong vở nhạc kịch ‘Khát vọng đỏ’, một hình tượng không đổi thay dù ở thời chiến hay thời bình.
Đại tá Hoàng Văn Chức - phó chính ủy Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (phải) và nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: T.ĐIỂU
Mong không chỉ là công trình mang tính kỷ niệm
Kịch bản Khát vọng đỏ khai thác đề tài hiện đại, do nhà văn Phạm Thị Vân Anh chuyển thể nhạc kịch từ kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương.
Những câu chuyện và âm nhạc trong vở thể hiện qua góc nhìn hiện đại, giúp tác phẩm dễ tiếp cận tới khán giả trẻ.
2 dàn nhạc, với 60 nhạc công, 20 hợp xướng, 12 ca sĩ và 20 diễn viên của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam miệt mài tập luyện suốt ba tháng qua để tạo dựng một vở nhạc kịch quy mô.
Tất cả đều diễn live trên sân khấu, kể cả các nhạc công, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, khiến các nghệ sĩ tham gia phải nỗ lực rất lớn.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo nói đây thực sự là một vở nhạc kịch "nổi bật trong giai đoạn hiện nay, một vở nhạc kịch hiếm có của quân đội, nếu không muốn nói là của Việt Nam những thập kỷ gần đây".
Khát vọng đỏ xoay quanh câu chuyện của gia đình Thiếu tướng, GS.TS Hoàng An - nguyên phó giám đốc Học viện Quân y. Xã hội hiện đại với rất nhiều vấn đề nhưng cuối cùng những người lính Cụ Hồ vẫn cha trước con sau nối tiếp phục vụ đất nước.
Nhà văn Phạm Thị Vân Anh tiết lộ câu chuyện trong vở nhạc kịch cho thấy những người lính Cụ Hồ dù ở thời bình vẫn đầy hy sinh và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.
Dàn diễn viên biểu diễn gồm nhiều gương mặt nghệ sĩ như: Trịnh Phương, Lê Xuân Hảo, Trần Bích Ngọc, Ngô Đức, Nguyên Hương, Hoàng Sơn, Hữu Thắng, Đào Tố Loan, NSƯT Huy Đức, Ngô Hương Diệp, Trường Lâm...