
Phụ huynh chờ đón con trong mưa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ở TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Để an ủi động viên con, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc khi các em "nghĩ quẩn, làm liều" cha mẹ hãy là "người bạn" tâm giao của con trong giai đoạn biết kết quả thi và bị trượt, cũng như không đỗ đạt vào đại học, cao đẳng.
Cha mẹ tuyệt đối không được trách mắng con hay dùng những lời lẽ sỉ vả theo kiểu "mày học ngu như vậy thì có thể làm nên trò trống gì" hay "học, thi cho nó phí cơm phí gạo" mà hãy động viên an ủi để con vơi bớt đi nỗi buồn. Hãy nói với con rằng: "Con còn trẻ, thi trượt chỉ là một sự vấp ngã đầu đời, và con còn có nhiều cơ hội sửa sai ở năm thi kế tiếp...".
Cha mẹ cũng có thể chỉ bảo, định hướng cho con các kế hoạch ôn luyện thi vào năm kế tiếp, đồng thời gieo vào con niềm hy vọng đại loại như: "Cha, mẹ tin rằng khi đầu tư ra 5-7 tháng để ôn luyện thật kỹ càng kiến thức thì ở kỳ thi sau nhất định con sẽ đỗ với số điểm cao!"; hay là: "Học tài thi phận mà con. Con không nên buồn, hãy nhanh chóng vượt qua nỗi buồn để ôn luyện và coi kỳ thi thất bại này là động lực để vươn tới ở kỳ năm kế tiếp".
Trên thực tế, không ít các bậc làm cha làm mẹ khi phát hiện con mình thi trượt đã "tổng sỉ vả" con, nhiếc mắng con một cách thậm tệ khiến con vốn đã buồn càng trở nên chơi vơi, buồn thêm. Chính những lời trách cứ, chửi bới, nhiếc móc... của cha mẹ trong lúc các em buồn chán sẽ chẳng khác nào "lửa đổ thêm dầu" và khiến các em càng bế tắc không có phương hướng giải quyết.
Động viên an ủi, chia sẻ, giãi bày tâm tư nguyện vọng cùng con khi con đang mang một nỗi buồn mênh mang vì thi trượt, đó là điều mà tất cả các bậc phụ huynh nên và cần làm. Bởi đây là phương cách hữu hiệu nhất để con bạn bớt buồn, cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc khi con suy nghĩ và hành động dại dột.
